Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

07:54, 22/10/2012

Anh Trần Xuân Minh ở thôn 3, xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã vượt khó, làm giàu, phát triển kinh tế gia đình bền vững bằng việc mạnh dạn đưa mô hình nuôi bò vỗ béo dưới tán cây rừng.

Anh Trần Xuân Minh dọn cỏ phòng chống cháy rừng
Anh Trần Xuân Minh dọn cỏ phòng chống cháy rừng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), năm 1967, anh vào bộ đội và đến năm 1972 anh tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên kháng chiến. Sau năm 1982, anh về xã Yang Reh lập nghiệp với bước đầu vô vàn khó khăn, thử thách. Địa hình đi lại khó khăn, đồi núi bao phủ, nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ, anh đã quyết tâm khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích sản xuất, tích góp trong chi tiêu, sản xuất với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”… nhờ đó kinh tế của gia đình anh ngày càng khấm khá lên. Xây dựng được mô hình phát triển kinh tế “VAC” khép kín, nhưng anh vẫn không ngừng trăn trở suy nghĩ về phát triển mô hình kinh tế, bởi nhiều năm việc trồng ngô và sắn trên diện tích đất đồi của gia đình anh thường xuyên bị nắng hạn đe dọa, thất bát. Từ việc tìm hiểu qua sách báo, cùng với thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè… anh đã quyết định trồng bạch đàn để phủ xanh đồi núi trọc, chống xói mòn, và phía dưới đồi thì trồng chuối. Qua 4 năm trồng rừng, cây đã lên xanh tốt, vừa giữ được nguồn nước sinh thủy, bảo đảm tưới tiêu cho các cây trồng ngắn ngày, vừa có nguồn cỏ ổn định để nuôi vỗ béo bò. Với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo dưới tán cây rừng, cùng 7 ha rừng sản xuất, 1,5 ha trồng ngô, 4,5 ha trồng chuối và gần 1 ha trồng lúa, cà phê, rau màu, đến nay, hằng năm gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Trong nhiều năm liền anh luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của xã và huyện. Anh chia sẻ: Với thời tiết thất thường như hiện nay, để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững thì trồng rừng là việc làm hữu ích, vừa phát triển được chăn nuôi, lại cải tạo được vườn tạp và cho năng suất cây trồng.

Phan Tuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.