Những phụ nữ năng động làm giàu
Nhanh chóng bắt nhịp với cơ chế thị trường, năng động tìm tòi phát triển những ngành nghề thế mạnh của địa phương, mạnh dạn ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất không chỉ giúp nhiều phụ nữ vươn lên làm giàu, “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Làm giàu từ trang trại tổng hợp
Trước đây gia đình chị Hoàng Thị Lăng ở thôn 14 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) có 1,5 ha đất chủ yếu trồng hoa màu, năng suất, sản lượng đều phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập chỉ đủ nuôi 5 con ăn, học. Sau nhiều lần tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở Đồng Nai, Bình Phước, chị bàn bạc với chồng thế chấp tài sản gia đình vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại theo hướng đa cây, đa con. Song song với việc trồng đậu, bắp “lấy ngắn nuôi dài”, chị cải tạo đất để đưa cây điều, mít cao sản vào trồng thử nghiệm. Đồng thời, dành 2 sào đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, gà, ngan Pháp theo hướng công nghiệp hóa. Năm 2005, trang trại tổng hợp của gia đình chị được cấp giấy chứng nhận, tạo thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Với 3 dãy chuồng xây được chia thành 31 ô có hệ thống cho ăn, uống tự động, mỗi lứa gia đình chị nuôi bình quân 60 heo nái, 100 heo thịt, 70 heo con. Để theo dõi chu kỳ sinh sản, chăm sóc heo mẹ tốt nhất, ở mỗi ô chuồng đều có gắn có bảng hiệu và ghi chép cẩn thận thời gian phối giống, sinh sản, loại thức ăn… Nhờ vậy, chị nắm chính xác thời gian đẻ của từng heo mẹ. Heo con sau mười ngày ra đời sẽ được tách mẹ cho ra hệ thống chuồng chăm sóc riêng. Bên cạnh đó, để bảo đảm vệ sinh môi trường, chị đầu tư xây dựng hầm biogas có thể tích 30 m3 và lắp đặt một máy phát điện góp phần xử lý chất thải chăn nuôi, đồng thời có thêm nguồn điện phục vụ cho trang trại. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, có khoa học, đàn heo của gia đình chị lớn nhanh và ít bị dịch bệnh. Mỗi năm chị xuất bán ra thị trường khoảng 18 tấn heo hơi. Hiện nay, nguồn thu chính từ heo, trứng gà công nghiệp, điều, mít cao sản… của gia đình chị khoảng 300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương, chị còn sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất hoặc chẳng may gặp hoạn nạn cùng vươn lên thoát nghèo.
Trang trại chăn nuôi khép kín đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Hoàng Thị Lăng. |
Thoát nghèo nhờ biết nắm bắt nhu cầu thị trường
Khi mới lập gia đình vợ chồng chị Lý Thị Đềm, dân tộc Tày ở thôn Tam Phong (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) không có tài sản gì ngoài căn nhà gỗ cũ của bố mẹ để lại. Không vốn liếng, nghề nghiệp, hai vợ chồng chịu khó làm thuê kiếm sống và dành dụm tiền mua 2 ha đất. Có quỹ đất rồi nhưng lấy nguồn vốn ở đâu để phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao? Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị mạnh dạn phát huy nghề nấu rượu truyền thống của gia đình ở Cao Bằng nhằm giải quyết khó khăn về vốn ban đầu. Với bí quyết làm men bằng lá cây rừng, ủ gạo, rượu chị nấu luôn thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng với lượng tiêu thụ trung bình 20 lít/ngày. Đồng thời, anh chị tận dụng hèm rượu làm thức ăn chăn nuôi heo. Tích lũy được đồng vốn nào lại dồn đầu tư trồng, chăm sóc 2 ha cà phê, chăn nuôi gà cải thiện cuộc sống. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, anh chị tìm tòi, học hỏi kỹ thuật ủ phân vi sinh bón cho cà phê nên vườn cây luôn phát triển tốt, đến nay sản lượng đạt trên 7 tấn nhân/năm. Chị còn mở vườn ươm, mỗi năm cung cấp cho thị trường 1 vạn cây cà phê giống; đồng thời mua thêm 1 ha đất trồng cao su. Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị đã vươn lên làm giàu với nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, xây dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế. Không những vậy, chị còn là “mạnh thường quân” thường xuyên giúp heo giống, cây giống cho các hội viên phụ nữ nghèo trong thôn. “3 năm nữa cây cao su sẽ cho mủ, không chỉ giúp gia đình mình có thêm nguồn nhập thu ổn định mà còn có thể tạo việc làm thêm cho vài người”, chị Đềm thổ lộ.
Chi hội trưởng phụ nữ năng động
Mặc dù diện tích canh tác không nhiều nhưng biết chủ động học hỏi, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm nên mỗi mùa chị Nguyễn Thị Quý ở thôn 3 (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) luôn thu được từ 4-5 tấn cà phê nhân từ 1 ha cà phê của gia đình. Để việc trồng trọt đạt hiệu quả cao, chị tận dụng vỏ cà phê, cây cỏ ủ phân vi sinh bón cho vườn cây vừa cung cấp thêm dinh dưỡng lại góp phần cải tạo đất; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tưới nước, tỉa cành, bẻ chồi. Chị đã trồng xen canh một số cây ăn quả trong vườn cà phê, chăn nuôi gà và mở đại lý kinh doanh phân bón, nông sản. Kinh tế ổn định, con cái chăm ngoan, học giỏi và sự cảm thông của chồng đã trở thành động lực giúp chị gắn bó hơn với công tác xã hội. Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3, chị luôn phát huy vai trò trong việc tập hợp và vận động hội viên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Không những vậy, chị còn tạo điều kiện cho chị em trong chi hội mua phân bón trả chậm, cho mượn vốn không tính lãi đầu tư phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo cải thiện cuộc sống gia đình. Là Bí thư chi bộ thôn, chị chủ động phối hợp với ban tự quản, các đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tham gia hòa giải những vụ xích mích, mâu thuẫn về đất đai, hôn nhân, tạo tình cảm xóm giềng bền chặt. Chị Quý chia sẻ: “Để hội viên nghe mình nói, trước hết bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, từ phát triển kinh tế đến xây dựng gia đình hạnh phúc. Tôi mong dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chị em luôn là người “giữ lửa” cho gia đình”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc