Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ “cánh đồng mẫu lúa nước”

08:03, 05/10/2012

Nhìn những bông lúa vàng rộ, trĩu hạt của “cánh đồng mẫu lúa nước” đầu tiên của Tây Nguyên tại thôn Tân Hưng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trong buổi Hội thảo đầu bờ chuẩn bị thu hoạch, niềm vui như ngập tràn trên gương mặt những người nông dân cũng như các quan khách tham gia Hội thảo.

Cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên của Tây Nguyên
Cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên của Tây Nguyên.

Vụ hè thu năm nay bà con sản xuất lúa nước ở đây bội thu thật sự với năng suất 8,4 tấn/ha (ruộng sản xuất truyền thống chỉ đạt 6 tấn/ha). Theo hạch toán kinh tế của các nhà chuyên môn tại Hội thảo, lãi suất chênh lệch giữa ruộng mô hình và ruộng tập quán là 16.640.000 đồng/ha, riêng 10 ha lúa của cánh đồng mẫu thì lãi tăng thêm 166.400.000 đồng. Trong khi đó thực tế hỗ trợ triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lúa nước là 29.700.000 đồng cho 10 ha, mới đáp ứng được 13,4% trong tổng kinh phí đầu tư (hỗ trợ giống là 19.200.000 đồng và hỗ trợ công tác quản lý là 10.500.000 đồng), còn lại nông dân tự đầu tư nhưng hiệu quả rất cao.

Thú thật ngày đó, khi bắt đầu chắp bút xây dựng chương trình triển khai cánh đồng mẫu này, chúng tôi – những người thực hiện chương trình – vẫn thấy lo lắng không yên. Lần đầu tiên đưa cánh đồng mẫu về với vùng đất hiếm có độ bằng phẳng trên diện rộng như ở Tây Nguyên là một sự thử thách. Đặc thù ruộng lúa nước Tây Nguyên không thuận lợi như những cánh đồng lớn vùng đồng bằng Tây Nam bộ, đồng bằng Trung bộ và Bắc bộ. Sự rủi ro về thời tiết, nước tưới, sâu bệnh luôn hiện hữu, nhất là vụ hè thu. Diện tích từng ô ruộng thì manh mún, trình độ canh tác của bà con không đồng đều (nhiều dân tộc cùng canh tác trên một cánh đồng)… Bên cạnh đó, việc lựa chọn một giống lúa để gieo cho cả cánh đồng là một sự trăn trở: Liệu giống lúa có phù hợp với vùng đất không; rồi đặc tính sinh học, tính kháng sâu bệnh, năng suất, chất lượng của giống… (đây là lần đầu tiên đưa giống lúa OM 5953 sản xuất đại trà); thời gian triển khai là vào mùa mưa Tây Nguyên nên phải nghiên cứu về thời gian sinh trưởng của giống lúa để ấn định ngày gieo sạ, sao cho thời gian thụ phấn của lúa không rơi vào những ngày mưa dầm, mưa tập trung vào buổi sáng (vì hoa lúa là hoa lưỡng tính, tự thụ phấn, giao phấn vào buổi sáng), mà lương thực đến giáp hạt của cả thôn Tân Hưng đều nằm trong 10 ha của cánh đồng này. Nói dại… nếu rủi ro xảy ra (cho dù do điều kiện khách quan) thì lương tâm của những người “đứng mũi chịu sào” cũng không thể bình yên! Nhưng giờ thì “hữu chí cánh thành” rồi, niềm vui của hơn 80 hộ nông dân nơi đây đang hiện hữu trên từng nụ cười, khóe mắt.

DSC09555_(FILEminimizer).JPG
 

Ama Cơ (dân tộc Êđê), người luôn cần mẫn với thửa ruộng trên cánh đồng Tân Hưng tự hào cho biết: “Năm nay, ruộng nhà mình đạt 1 tấn/sào, chưa khi nào có năng suất cao như vậy”. Cô Đê, một nông dân mấy mươi năm gắn bó với cánh đồng này, người mà trong thời gian triển khai thực hiện đã đòi phá bỏ sau khi gieo ruộng 10 ngày bởi mật độ quá thưa theo cách nhìn của nông dân với lượng giống 12 kg/sào, thì giờ phút này lại cảm ơn Ban quản lý cánh đồng và các thành viên FF (Friend farmer – người trực tiếp hướng dẫn) thuộc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, bởi năng suất ước đoán hơn 1 tấn/sào. Bà con kết luận vụ hè thu năm nay được mùa nhất từ trước đến giờ và chất lượng lúa vụ này thì quá tốt (vì đã giảm được thuốc sâu, giảm phân đạm), ngoài ra còn giữ được cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, môi sinh. Có một niềm vui nữa là tình làng, nghĩa xóm nhân được lên gấp bội khi mọi người cùng ra đồng làm đất, cùng gieo sạ, bón phân, điều tiết nước, rồi cùng nhau chăm sóc, thu hoạch để cùng hưởng năng suất, chất lượng lúa cao; bước đầu làm thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống của nông dân.

Có thể nói, thành công của mô hình “cánh đồng mẫu lúa nước” thôn Tân Hưng thể hiện sự gắn kết phối hợp nhịp nhàng của “bốn nhà” trong chương trình xây dựng nông thôn mới: Đó là sự nghiên cứu, đánh giá của Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột về lựa chọn đúng “bà đỡ” cho cánh đồng mẫu là Công ty CP. Bảo vệ thực vật An Giang. Tinh thần dám nghĩ, dám làm trên cơ sở khoa học của lãnh đạo, cán bộ UBND thành phố là động lực thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện đúng lúc, đúng cách để đi đến thành công.

Sự thống nhất của Ban quản lý trong việc điều tra, khảo sát kỹ các điều kiện của cánh đồng như: diện tích ruộng tập trung, độ nghiêng ít, điều tiết nước tưới thuận lợi, nông dân sản xuất trên cánh đồng sống tập trung, nhiệt huyết ham học hỏi và tiếp cận tiến bộ KHKT... Đội ngũ hướng dẫn kỹ thuật có kiến thức khoa học và kinh nghiệm đối với cây lúa, “bắt mạch” được cây lúa khi có triệu chứng khác thường, nhận diện được các loài thiên địch và sâu hại trên ruộng để phân tích, đánh giá về ngưỡng kinh tế khi cần sử dụng thuốc hóa học cũng như nghiên cứu và tìm hiểu đặc tính sinh học của những giống lúa sao cho phù hợp với từng vùng… Ban quản lý tạo niềm tin cho nông dân bằng những việc làm thiết thực, có ích cho bà con để tạo sự hưởng ứng đồng bộ, nhiệt huyết của nông dân; sự gần gũi của đội ngũ thực hiện với người dân như càng được thắt chặt bởi sự thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình nghèo, tổ chức vui chơi cho các em thiếu nhi của thôn…

Với những kết quả thiết thực trước mắt của “cánh đồng mẫu lúa nước” tại TP. Buôn Ma Thuột, hy vọng đây sẽ là tiền đề cho việc nhân rộng thành công nhiều “cánh đồng mẫu lớn” đối với Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung.  Được biết, trong thời gian tới, Công ty An Giang cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con triển khai thực hiện tiếp cánh đồng mẫu vào vụ đông xuân 2012-2013.

Hồ Thị Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc