Multimedia Đọc Báo in

Niêm yết giá: Việc cần làm tại các chợ dân sinh

21:39, 02/10/2012

Giữa thời buổi khó khăn người tiêu dùng (NTD) thắt chặt chi tiêu thì quy định niêm yết giá (NYG) của Bộ Tài chính là rất cần thiết, góp phần bảo vệ NTD, ổn định giá trên địa bàn và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tiểu thương.

Góp phần công khai, minh bạch hơn

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 78/2012/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc NYG bán buôn, giá bán lẻ, giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng bán của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Đối với tổ chức, cá nhân vi phạm không NYG hoặc NYG không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, thu tiền cao hơn giá niêm yết… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu đồng (tùy theo mức độ vi phạm). Rõ ràng, cái hay của NYG là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tiểu thương bán hàng, về phía khách hàng sẽ không bị hớ, phải trả giá cao hơn giá trị thật của món hàng.

Một số chợ dân sinh, chỉ một số mặt hàng được NYG, riêng quần áo, thực phẩm tươi sống... không được NYG.
Một số chợ dân sinh, chỉ một số mặt hàng được NYG, riêng quần áo, thực phẩm tươi sống... không được NYG.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh: trên thực tế, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện khá nghiêm túc quy định này. Trên các kệ hàng, hàng hóa được niêm yết công khai, minh bạch, tạo nhiều thuận lợi cho người mua. Đại diện siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột cho hay, NYG không chỉ đáp ứng nhu cầu muốn biết về giá cả thật của sản phẩm đối với khách hàng mà còn góp phần tạo thuận lợi cho siêu thị bán chạy hàng hơn, nhất là những bảng NYG ở mặt hàng khuyến mãi, thu hút sự quan tâm chọn mua của nhiều NTD. Không chỉ các siêu thị mà tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hàng hóa cũng được NYG rõ ràng. Dạo quanh các chợ, các Trung tâm thương mại và chợ tạm Buôn Ma Thuột, Tân An... dễ thấy việc thực hiện niêm yết giá khá tốt. Tại các sạp, quầy hàng, từ các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, hoa, quả đến quần áo, giày dép… đều thấy treo biển NYG công khai. Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay: từ đầu năm đến nay chị  luôn thực hiện NYG đầy đủ. Theo chị Hoa, mỗi người kinh doanh phải ý thức được việc niêm yết đúng giá và bán theo giá niêm yết để tạo uy tín, góp phần giữ chân khách hàng. Anh Võ Thành Lân - Phó Giám đốc chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, nhờ thực hiện tốt quy định trên mà các hoạt động kinh doanh ở chợ diễn ra công bằng, văn minh hơn, tránh được tình trạng chèn ép giá như trước đây; từ đó tạo niềm tin cho khách khi mua hàng hóa tại các chợ truyền thống và dần góp phần hình thành nên văn hóa kinh doanh trong trong ý thức của nhiều tiểu thương.

Vẫn còn tình trạng đối phó

Dù việc NYG đã được các ngành chức năng liên quan nỗ lực kiểm tra, kiểm soát và phổ biến rộng rãi đến từng hộ kinh doanh, tiểu thương bán lẻ tại các đại lý và chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhưng trên thực tế vẫn còn một số khó khăn trong việc NYG ở một số nhóm hàng như: thực phẩm tươi sống (rau, củ, bún…), dịch vụ ăn uống tại chợ, tại các cá thể kinh doanh không thường xuyên… Do đó, việc kê khai NYG ở các mặt hàng này vẫn chưa thật sự chặt chẽ; vẫn còn tình trạng đối phó, NYG cho có để qua mặt các cơ quan chức năng ở một số quầy hàng tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Theo thống kê của Chi cục QLTT tỉnh: từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra về giá, Chi cục đã phát hiện 216 vụ vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính trên 330 triệu đồng.

Tại chợ tạm Buôn Ma Thuột, ở các quầy, sạp bán quần áo thời trang, dễ dàng nhận thấy có một số sản phẩm được NYG đàng hoàng, còn một số khác thì không. Tương tự, tại một quầy hàng bán sữa bột, bánh kẹo, chủ hàng chỉ NYG một nửa số hàng hóa, nửa còn lại thì không được NYG với lý do hàng hóa nhiều, không thể NYG hết; có một vài mặt hàng bánh kẹo giá rẻ, chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng nên việc NYG rất tốn thời gian (?!). Một tiểu thương bán bánh kẹo cho hay: hàng hóa ở đây vừa bán sỉ cho các đầu mối lại vừa tranh thủ bán lẻ kiếm lời nên việc NYG rất khó khăn. Bên cạnh các hộ kinh doanh nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ thì theo một số tiểu thương tại các chợ dân  sinh, việc NYG gặp một số rào cản nhất định, chẳng hạn như dù có bảng giá công khai rõ ràng, nhưng khách mua hàng vẫn mặc cả, đòi giảm giá xuống vài ba nghìn đồng hoặc nhiều hơn, tùy theo giá trị món hàng; bởi tâm lý thích được trả giá đã trở thành thói quen của không ít người khi mua sắm tại chợ truyền thống…  Do đó, để việc NYG trở thành việc làm thường xuyên, phổ biến và thực sự tác động vào ý thức của các tiểu thương, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì theo ông Giao Thanh Tùng, Phó Chi cục QLTT tỉnh, ngoài công tác chủ động tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện công khai, minh bạch về giá tại các chợ, chi cục còn chú trọng kết hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Nhà nước về NYG và bán theo giá niêm yết đến các hộ kinh doanh. Song song với đó, các đội QLTT còn phối hợp với Ban quản lý các chợ phát tờ rơi, có văn bản hoặc trực tiếp hướng dẫn cho đại diện hộ kinh doanh theo từng nhóm, ngành hàng về nội dung, cách thức NYG, vị trí treo bảng… theo đúng quy định. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.