Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế gia đình nhờ chăn nuôi

08:30, 30/10/2012

Mặc dù thời gian gần đây, ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn, nhưng nhiều chủ trang trại, gia trại trong tỉnh vẫn gắn bó với nghề, một số hộ có những cách làm hay, không chỉ duy trì được sản xuất mà còn phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả.

Ông Lê Văn Hải với mô hình nuôi cá hiệu quả.
Ông Lê Văn Hải với mô hình nuôi cá hiệu quả.

Điển hình là các hộ chăn nuôi heo theo mô hình gia trại hiệu quả tại huyện Cư M’gar như vợ chồng anh Bạch sỹ Bình, thôn 4, xã Ea Kpam. Sau khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho đi tham quan một số mô hình chăn nuôi ở nhiều địa phương trong tỉnh, năm 2010 gia đình anh đã bỏ ra toàn bộ số vốn tích cóp 30 triệu đồng và vay mượn thêm 7 triệu đồng của ngân hàng chính sách - xã hội huyện, anh đầu tư xây dựng 200m2 chuồng trại chăn nuôi heo theo mô hình khép kín kết hợp xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, tạo nguồn khí đốt và thắp sáng khu vực chuồng trại và gia đình. Gia trại của anh chỉ chuyên nuôi heo thịt với số lượng thường xuyên 135 con/lứa, nguồn giống chủ yếu mua tại các trại giống lớn trên địa bàn, được các cơ quan chức năng thẩm định chất lượng kỹ càng. Quá trình nuôi, anh sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, giữ chuồng trại luôn sạch sẽ và chú ý tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ, nhờ vậy heo lớn nhanh lại ít dịch bệnh, heo giống mua về từ 6 - 7 kg/con, nuôi khoảng 140-150 ngày thì xuất bán. Anh Bình cho hay, thời gian vừa qua tình hình dịch heo tai xanh diễn ra trên hầu khắp các địa phương trong huyện, nhưng đàn heo của gia đình anh vẫn không bị ảnh hưởng gì. Mỗi năm anh xuất bán 2 lứa heo, trọng lượng trung bình đạt từ 90 - 100kg/con, trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Diên đang chăm sóc đàn ong mật.
Ông Nguyễn Ngọc Diên đang chăm sóc đàn ong mật.

Một điển hình chăn nuôi khác là hộ ông Lê Văn Hải ở thôn 4, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Sau những trăn trở về bài toán phát triển kinh tế gia đình, năm 2005, ông Hải quyết định đào 3 ao cá tại vườn nhà, với tổng diện tích 2.000m2 để tập trung nuôi cá. Ban đầu ông thả 40.000 con cá giống với đủ các loại trôi, trắm, mè, chép, rô phi đơn tính…, nhưng do bước đầu khởi nghiệp, nguồn vốn còn hạn hẹp, không đủ để mua thức ăn cho cá, bản thân ông lại chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên cá trong ao bị bệnh chết nhiều, gây thất thoát lớn. Những năm sau, qua trải nghiệm thực tế và chịu khó học tập khoa học kỹ thuật, chăm sóc, phòng trị bệnh hợp lý cho đàn cá nên chăn nuôi của gia đình ngày càng hiệu quả hơn. Theo ông Hải, nếu nắm vững kỹ thuật thì việc nuôi cá rất nhẹ nhàng, trước hết cần chú trọng khâu xử lý kỹ ao trước khi thả cá, luôn bảo đảm nguồn nước sạch, hệ thống lưu thông nước ra vào thường xuyên, mật độ nuôi thả vừa phải, thức ăn không nên cho quá dư thừa… Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện khá rộng nên người nuôi cá cũng yên tâm về đầu ra sản phẩm, mỗi khi xuất bán, các tư thương thường đến tận nơi đặt mua nên không phải đem ra chợ. Nhờ mô hình chăn nuôi hiệu quả, lại được nhiều bà con trong tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm, đầu năm 2012 gia đình ông Hải được Chi cục Thủy sản tỉnh đầu tư 100% kinh phí thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm, với diện tích ao 250m2. Đây là loại cá có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bệnh tật và thời gian nuôi một một lứa cá chỉ mất  khoảng 5 tháng, mỗi mô hình có thể thu lãi trên 34 triệu đồng, hiện trong các ao của gia đình ông có trên 10 tấn cá thương phẩm các loại, trị giá trên 300 triệu đồng, ông dự định sẽ xuất bán từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Khác với những hộ chăn nuôi quy mô lớn trang trại, từ năm 2001 đến nay, hộ ông Nguyễn Ngọc Diên, thôn Tân Hòa, xã Ea B’lang, TX. Buôn Hồ lại chọn nghề nuôi ong mật, gia đình ông đang nuôi 200 đàn ong tương đương 200 thùng, mỗi thùng 10 cầu ong và có thể thu từ 4 - 8 kg mật ong/cầu. Uớc tính mỗi năm, gia đình có thể thu được khoảng 8 tấn mật, cộng với khoảng 1 tấn phấn ong, tương đương trên 150 triệu đồng/năm. Ông Diên chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong: chỉ cần có giống, kỹ thuật và nơi chăn ong là đàn ong phát triển mạnh. Mùa con ong phát triển cao điểm là từ tháng 9 năm này đến tháng 4 năm sau (âm lịch). Do đó, để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, mỗi năm phải di chuyển đàn ong từ 5-6 lần đến những vườn cây có nhiều hoa. Mỗi lần di chuyển như vậy phải thực hiện trong đêm, chờ cho đàn ong về tổ ngủ hết, có như thế ong mới không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây ăn quả, điều, cà phê và đặc biệt là khi cây cao su ra chồi non... Ông Diên cho biết thêm, nghề nuôi ong khá đơn giản, để phát triển đàn ong không phải đầu tư mua giống, nông dân có thể tự nhân giống tăng đàn, nhưng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật và khéo tay, thường xuyên chăm sóc tạo cho đàn ong có nơi trú ẩn an toàn, nếu không chúng sẽ bỏ đàn mà đi. Nuôi ong cho mật quanh năm, kể từ đàn ong mới nhân khoảng 20 ngày là đã bắt đầu cho mật, nhờ đó từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Diên luôn được Hội Nông dân TX. Buôn Hồ công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông còn giúp các hội viên khác như hộ anh Lê Toàn, Y Linh Niê (phường Thống Nhất), chị H’Mai Byă (xã Ea Siên)… về giống, hướng dẫn kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ong để cùng vươn lên làm giàu từ mô hình trên.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.