Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch chăn nuôi hướng đến một nền chăn nuôi bền vững

08:33, 30/10/2012

Định hướng đến năm 2020, ngành chăn nuôi Dak Lak sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng toàn diện, trong đó tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi cao hơn mức bình quân ngành nông nghiệp, xây dựng nền chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững... 

Từ thực trạng

Giai đoạn 2005-2010, trên địa bàn tỉnh đã triển khai quy hoạch chăn nuôi và thủy sản, chương trình này đã góp phần gia tăng số lượng và chất lượng gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn, giúp nông dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch chăn nuôi giai đoạn trên của Sở NN-PTNT cho thấy rất nhiều chỉ tiêu quy hoạch đề ra chưa đạt được, cụ thể: về đàn bò, số lượng bò thịt chất lượng cao và bò sữa còn thấp, đến năm 2010 số bò thịt chất lượng cao 2.200/10.000 con, bằng 22% kế hoạch, bò sữa 24/1.000 con, bằng 2,4% kế hoạch. Tỷ lệ bò lai mục tiêu đề ra là 35% nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 26-28%; về đàn heo, năm 2010 tổng đàn heo 658.031/870.000 con, đạt 75,6% kế hoạch, trong đó đàn heo thịt đạt 75% kế hoạch, heo nái 84% kế hoạch, heo lai có tỷ lệ nạc cao đạt 45% tổng đàn (mục tiêu đề ra là 80%); về nâng cấp trại heo giống gốc với quy mô 200 con nái sinh sản giống ngoại thuần chủng và trại giống gà bố mẹ thả vườn Lương phượng, với quy mô 1.000 con mái đẻ tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) chưa đạt yêu cầu quy hoạch, hiện đàn heo giống gốc mới có 65 con (gồm 61 con nái sinh sản và 4 con đực giống), đàn gà giống mới có 240 con gà mái đẻ và 25 con trống; diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản năm 2010 đạt 56,2% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thức ăn thô cho trâu bò còn thiếu (đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, diện tích cỏ trồng phát triển không đáng kể, phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng triệt để…), còn nguồn thức ăn tinh thì giá cả luôn biến động nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi; công tác giống chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, việc quản lý giống đang bị thả nổi; dịch bệnh liên tục xảy ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi bị thiệt hại lớn gây tâm lý bất an trong việc đầu tư, mở rộng quy mô. Vẫn còn duy trì hình thức chăn nuôi truyền thống, thả rông, sử dụng con giống tự cung, tự cấp, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chăn nuôi còn thấp, nhất là vốn đầu tư nâng cấp các trại giống gốc, cơ sở thú y, chế biến thức ăn gia súc, trong khi người chăn nuôi rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng… chưa được quan tâm đúng mức… Đây là những rào cản khiến các mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2005-2010 không cán được đích.

Chăn nuôi đại gia súc được ưu tiên phát triển.
Chăn nuôi đại gia súc được ưu tiên phát triển.

Đến giải pháp

Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, do vậy tỉnh đã tiến hành rà soát lại thực trạng chăn nuôi và đưa ra phương án điều chỉnh, bổ sung cho quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 số lượng đàn bò trên toàn tỉnh đạt 259.100 con, tỷ lệ bò lai đạt 60% trong tổng đàn; đàn trâu 36.080 con; đàn heo 831.510 con, tỷ lệ heo lai hai máu đạt 90%, tỷ lệ lai 3-4 máu, đạt 34-35%. Tỉnh cũng xác định vùng nuôi trâu, bò tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện có tiềm năng về đồng cỏ tự nhiên, điều kiện trồng cỏ, có kinh nghiệm chăm sóc và phòng chống dịch bệnh tốt như: Ea Kar, M’Drak, Krông Pak, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn... Phát triển đàn lợn hướng nạc theo mô hình chăn nuôi trang trại với quy mô phù hợp tại vùng ven các đô thị: TP.Buôn Ma Thuột, Krông Pak, Ea Kar, Cư M’gar, Ea H’leo… Phát triển đàn gia cầm theo mô hình chăn nuôi tập trung kết hợp với quy mô gia đình để quản lý tốt dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường và tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng đàn gia cầm 858.740 con, trong đó đàn gà chiếm 85%, vịt 11,3% còn lại là các loại gia cầm khác. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu trên, rất nhiều giải pháp được đề ra như: thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, chuồng trại, thú y và xử lý chất thải để tăng nhanh lượng đàn và chất lượng thịt; gắn việc phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc; ưu tiên cho thuê đất đầu tư chăn nuôi, nhằm thu hút vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất con giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi… Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với muôn vàn khó khăn như đã đề cập ở phần trên thì việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra sẽ gặp không ít trở ngại, vì vậy, cần quan tâm đầu tư mạnh hơn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là có chính sách tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, trong đó, các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn. Riêng đối với chăn nuôi bò, theo ông Trương La (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) thì cần có giải pháp duy trì con lai và phát triển thành đàn nền, bởi nếu không có giải pháp giữ đàn bò con lại thì việc bò lai đẻ ra đem bán đi sẽ khiến tỷ lệ bò lai không được nâng cao.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.