Multimedia Đọc Báo in

Tái canh “rừng già” xóa nghèo bền vững

08:27, 30/10/2012

Nhiều khách du lịch, kể cả “Tây ba lô” khi đi qua Nông trường Cao su Phú Xuân (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak) nằm dọc Quốc lộ 14, đoạn chạy qua huyện Cư M’gar đều dừng xe để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng tắp đang vào mùa thu hoạch vàng rực trong chiều thu. Có người ví von cánh đồng lúa này là “Mù Cang Chải của Tây Nguyên”, nhưng ít ai ngờ đó là thành quả bước đầu tái canh rừng cao su già của Nông trường.

Niềm vui của người dân trên cánh đồng tái canh.
Niềm vui của người dân trên cánh đồng tái canh.

Theo ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Nông trường Cao su Phú Xuân, hiện nay Nông trường đang quản lý hơn 1.700 ha cao su được trồng từ năm 1979, do sản lượng mủ đạt thấp nên đang tiến hành nhổ bỏ để tái canh. Với quan điểm phát triển kinh tế phải đi liền với an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân địa bàn doanh nghiệp đứng chân, hơn 3 năm qua. Nông trường đã huy động hàng vạn ngày công cùng với các phương tiện máy móc tiến hành nhổ bỏ, san ủi, cày xới… biến rừng cao su già cỗi thành vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, đã có gần 200 ha cao su già đang hồi sinh trở lại dưới bàn tay lao động của công nhân Nông trường. Cùng với việc tái canh, Nông trường hướng đến xóa nghèo bền vững cho bà con. Mỗi hộ nghèo được Nông trường cho nhận khoán chăm sóc 3 ha cao su với thời gian 7 năm tính từ lúc trồng cho đến hết thời kỳ kiến thiết cơ bản sẽ làm lại hợp đồng mới. Trong 4 năm đầu, người dân được phép trồng hoa màu như ngô, lúa, đậu… và được hưởng hoàn toàn số nông sản làm ra, nông trường không thu phí. Trong những năm qua, khoảng 70% số công nhân nông trường tiếp nhận vào làm là hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng, được bảo đảm đầy đủ quyền lợi như chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp. Là một trong 50 hộ gia đình nghèo ở 2 xã Ea Drơng, Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) vừa được Nông trường nhận vào làm công nhân, anh Y Khanh Niê (buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng) tâm sự: “Nông trường cho nhận khoán 3 ha cao su, hỗ trợ mọi chi phí phân bón, cây giống, mình chỉ bỏ công chăm sóc nên gia đình mình và nhiều hộ khác trong buôn đều yên tâm làm ăn. Mùa này, mình trồng 7 lô lúa rẫy, dự tính sau khi thu hoạch sẽ dành một phần làm lương thực, còn lại đem bán lấy ít vốn để đầu tư cho vụ kế tiếp”. Trung bình mỗi ha người dân trồng lúa rẫy đạt năng suất 5 tấn. Do vậy nhiều hộ nghèo sau khi nhận khoán được nông trường tập huấn kỹ thuật tái canh đã dần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Anh Y Helô Niê (buôn Krăm B, xã Ea Drơng) chia sẻ: “Từ khi đi làm công nhân có lương ổn định nên gia đình mình không lo thiếu ăn như trước, chỉ lo không có sức mà làm. Thấy mình làm ăn hiệu quả, nhiều người dân trong buôn thiếu đất sản xuất cũng xin vào đây làm lúa để nâng cao thu nhập”.

Cùng với việc tạo công ăn việc làm cho người dân, nông trường còn tạo điều kiện cho các gia đình công nhân nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế từ Quỹ tín dụng nhân dân cao su Dak Lak với mức vay nhiều nhất là 100 triệu đồng/hộ.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.