Tăng liều lượng các gói hỗ trợ doanh nghiệp
Những tháng đầu năm 2012 tiếp tục là khoảng thời gian đầy khó khăn khi các yếu tố như giá cả nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí lao động, thị trường tiêu thụ… đều bất lợi đối với DN. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn cho DN cần phải tăng liều lượng các gói hỗ trợ.
Số liệu tổng hợp của Sở KH&ĐT cho thấy: số lượng DN phá sản, giải thể, tạm ngưng hoạt động tiếp tục có xu hướng tăng cao. Nếu như trong năm 2011, toàn tỉnh có 49DN dân doanh bị xóa tên đăng ký kinh doanh thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012 con số này đã là 40 và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đáng nói là trong số DN còn hoạt động thì con số thua lỗ cũng rất lớn. Theo số liệu của Cục thuế tỉnh, trong năm 2011, toàn tỉnh có hơn 1.530 DN kinh doanh thua lỗ gần 1.180 tỷ đồng. Trong số DN gặp khó khăn, có DN hoạt động kém hiệu quả, quản trị yếu… nhưng cũng có DN có năng lực, do hoàn cảnh khách quan, vì DN khác phá sản nên họ không đòi được nợ, hoặc do thị trường ảm đạm phải lâm vào khó khăn tạm thời.
Giải phóng được hàng tồn kho cũng là biện pháp tháo gỡ vốn cho DN. (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, dù nguồn vốn khá dồi dào nhưng các NH không dễ cho DN vay, trong khi phía DN cũng luôn kêu ca khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân chính được cho là do nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “đình trệ”. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt khoảng 26.936 tỷ đồng, tương đương hơn 79% kế hoạch và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, chính là nhờ giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn ở mức cao; một số siêu thị mới đi vào hoạt động góp phần làm mức độ lưu chuyển hàng hóa tăng. Nếu loại trừ các yếu tố này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn chỉ ở mức thấp. Điều đó cho thấy tổng cầu của nền kinh tế rất yếu, tiêu thụ sản phẩm của DN gặp khó, hàng tồn kho không tiêu thụ được tăng cao, dẫn tới tình trạng DN không trả nợ kịp thời cho các NH và nợ xấu tăng nhanh, khiến NH không thể cho vay thêm. Bên cạnh đó do không bán được hàng nên DN cũng không có nhu cầu vay vốn sản xuất..., khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế “qua cổng” nhiều DN suy giảm mạnh. Đây thực sự là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp quan trọng hiện nay là cần phải tăng liều lượng các gói hỗ trợ DN. Cụ thể là tiếp tục xem xét cho vay mới theo dòng tiền, tức căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh để cho vay chứ không nên quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp; tăng mức tín dụng cho vay, nhất là đối với những ngành nghề có khả năng tiêu thụ được sản phẩm, thu hút nhiều lao động. Tiếp tục gia hạn, miễn giảm thuế TNDN và VAT đối với những DN làm ăn hiệu quả, hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, thu hút nhiều lao động. Đẩy mạnh giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, trái phiếu Chính phủ. Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, chống gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng để hỗ trợ tiêu thụ hàng trong nước…
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc