Multimedia Đọc Báo in

Tập trung sức phát triển mạnh kinh tế dịch vụ

14:05, 26/10/2012

Tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch lĩnh vực dịch vụ do địa phương, đơn vị quản lý; coi phát triển dịch vụ là nhiệm vụ đột phá, không những trước mắt mà cả về lâu dài - đó là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được tỉnh xác định trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.

Các dịch vụ thuộc lĩnh vực ngân hàng phát triển đã tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch.
Các dịch vụ thuộc lĩnh vực ngân hàng phát triển đã tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch.

Những năm qua, ngành kinh tế dịch vụ của Dak Lak đã có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Một số lĩnh vực như: bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng không, du lịch, xuất khẩu lao động đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên, thu hút nhiều lao động tham gia, tạo cú hích mạnh mẽ cho hoạt động xuất khẩu. Loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, cơ sở vật chất một số lĩnh vực được đầu tư hiện đại về trang thiết bị công nghệ và mở rộng về quy mô. Theo tính toán, trong giai đoạn 2006-2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 27,3%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 2.931 triệu USD, tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005. Tuy nhiên, cùng với những chuyển biến này, một “lỗ hổng” lớn trong khu vực kinh tế dịch vụ là công tác quy hoạch dịch vụ còn chậm, các hoạt động dịch vụ mới, có nhu cầu cao chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế chính sách của địa phương chưa theo kịp và chưa tạo nhiều điều kiện thuận lợi để ngành dịch vụ phát triển.

Phát triển chợ nông thôn liên xã, một trong những giải pháp để phát triển thương mại  dịch vụ nông thôn.
Phát triển chợ nông thôn liên xã, một trong những giải pháp để phát triển thương mại dịch vụ nông thôn.

Mới đây, khi xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 808 của Thủ tướng Chính phủ, Dak Lak đã xác định: coi phát triển dịch vụ là nhiệm vụ đột phá, không những trước mắt mà còn lâu dài. Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch lĩnh vực dịch vụ do địa phương, đơn vị quản lý. Các mũi nhọn để tạo thế và lực thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển là: mở rộng các loại hình dịch vụ để bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế, song song với việc chú trọng các dịch vụ xã hội thiết yếu, thương mại nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Khai thác lợi thế về địa lý, khí hậu cảnh quan môi trường, cùng với việc phát triển cơ sở du lịch hiện có, một số cơ sở kinh doanh du lịch cũng dự kiến được xây dựng mới tại thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Súp, huyện Cư Kuin, Vườn Quốc gia Yok Đôn...; hình thành các tuyến du lịch nội vùng gắn với vùng kinh tế trọng điểm và du lịch liên vùng Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn, Buôn Ma Thuột – Buôn Hồ - Krông Năng, Krông Ana – Cư Kuin – Lak – Krông Bông, Krông Năng – M’Drak. Hoạt động thương mại dịch vụ sẽ phát triển theo hướng bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng cho đời sống, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của sản xuất nông, công nghiệp. Xây dựng thị trường mở, hòa nhập với thị trường trong nước nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung. Tổ chức các trạm thu mua nông sản trên địa bàn các huyện, mở các đại lý, các hợp tác xã thương mại ở các vùng nông thôn trong tỉnh, chú ý phát triển các chợ nông thôn liên xã. Đặc biệt một trong những lĩnh vực mới được đề cập trong chương trình hành động này là tỉnh quan tâm xúc tiến phát triển nhanh dịch vụ khoa học và công nghệ; thúc đẩy các dịch vụ pháp lý nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao trình độ, thuận tiện cho tổ chức và cá nhân trong giao dịch.

Theo Chương trình hành động của tỉnh, từ nay đến năm 2015, cơ cấu ngành dịch vụ chiếm 41-42% GDP của tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân hàng năm 25-26%. Khối lượng luân chuyển hàng hóa bình quân tăng 7,8%/năm.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.