Multimedia Đọc Báo in

Thanh long - cây trồng mới trên đất Cư Êbur

09:04, 29/10/2012

Những ngày này, nhiều người dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đang phấn khởi thu hoạch một mùa thanh long thắng lợi. Tuy là loại cây mới được đưa về trồng ở đây nhưng thanh long ruột trắng đã “bén duyên” và đem lại hướng đi mới cho nhiều bà con nông dân.


Người  dân đang thu hoạch thanh long.
Người dân đang thu hoạch thanh long.

Đến thăm gia đình ông Ngô Đình Phi (thôn 2) khi ông đang tất bật thu hái thanh long đem ra chợ bán. Với 1,3 sào thanh long ruột trắng thu hoạch năm thứ 3, niên vụ này gia đình ông dự tính thu được 3 tấn quả. Ông Phi kể: Năm 2008, ông xuống Bình Thuận học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng thử nghiệm 120 trụ thanh long; sau hơn một năm thì cây cho quả bói. Nhờ chăm sóc tốt mà đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 3 tấn quả; với giá bán tại vườn 10.000 – 15.000 đồng/kg và 15.000-20.000 đồng bán lẻ tại chợ, trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi gần 40 triệu đồng. Ông Phi chia sẻ kinh nghiệm: Thanh long là loại thân leo, ra nhiều đợt quả trong năm, thời gian cây ra hoa đến thu hoạch là 1,5 tháng. Do vậy, để cây cho nhiều quả và quả đẹp, sau mỗi đợt thu hoạch người trồng phải bón phân, tưới nước đầy đủ, nếu không đầy đủ chất dinh dưỡng cây trồng sẽ không cho quả.

Thanh long vốn là loại cây được trồng trong vườn nhà để ăn quả quanh năm. Những năm gần đây, khi cây cà phê già cỗi, năng suất thấp thì người dân xã Cư Êbur bắt đầu chuyển qua trồng loại cây này để thay thế. Trồng cây thanh long không mất nhiều công sức cũng như chi phí chăm sóc, do ít bị các loài sâu bệnh tấn công và khả năng chịu mưa, chịu nắng tốt. Song để cây mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người trồng phải “ép” cây để cây ra hoa, đậu quả nhiều, đặc biệt là thời điểm trái vụ. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ dân trồng thanh long ở xã Cư Êbur đã biết thắp đèn chiếu sáng bên cây. Điển hình là gia đình ông Mai Sỹ Ánh với vườn thanh long 4 sào, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 10 tấn quả. Năm 2011 gia đình ông Ánh đã cho thắp sáng 120 trụ trong vòng 20 ngày thì cây cho quả. Ông cho biết, Dak Lak có khí hậu lạnh hơn so với Bình Thuận nên thời gian thắp sáng cây nhiều hơn, bình quân 8 - 10 giờ/đêm, liên tục trong khoảng 20 ngày tùy theo mùa và điều kiện thời tiết. Vào mùa khô, nắng nhiều thì thời gian thắp sáng ít hơn. Khi trái chuyển sang màu đỏ từ 3 - 5 ngày có thể hái được. Đặc biệt, sau khi thu hoạch phải chú ý chăm sóc cho cây khỏe lại và điều chỉnh thời gian thắp đèn phù hợp thì thanh long sẽ nhanh trổ lứa hoa mới.

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Cư Êbur có khoảng 15 ha thanh long. Đây là loại cây ăn quả dài ngày nhưng chỉ sau 2 năm trồng là cây cho thu quả bói và có thể thu quanh năm nếu chăm sóc đúng kỹ thuật. Do đó, thanh long đang được nhiều người dân nơi đây chọn trồng thay thế vườn cà phê già cỗi.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.