Multimedia Đọc Báo in

Thị trường thời trang bình dân “lên ngôi”

08:38, 31/10/2012

Kinh tế khó khăn, dù không phải là thời điểm thuận lợi để mở thêm nhiều cửa hàng thời trang, tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh vẫn mạnh dạn đầu tư và bước đầu đã gặt hái được một số thành công nhất định.

Hàng “mốt” giá mềm

Trong bức tranh kinh tế ảm đạm, sức mua giảm nhưng vẫn có nhiều cửa hàng thời trang thi nhau mọc lên tập trung chủ yếu dọc các tuyến đường Phan Chu Trinh, Trần Phú, Phan Bội Châu…, bày bán các mặt hàng quần áo, giày dép thời trang với nhiều kiểu dáng đa dạng. Chưa đầy 6 tháng, shop Nụ đã mở đến cửa hàng thứ 3 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chuyên bán quần áo thời trang, phụ kiện dành cho tuổi teen; trên đường Hoàng Diệu, cửa hàng thời trang của V7 cũng mở thêm đại lý thứ 2; không thua kém, shop giày dép có tiếng Hà Anh cũng mọc lên trên đường Phan Chu Trinh… Điểm nhấn của các cửa hàng này là quần áo đa dạng, liên tục cập nhật mẫu mã mới và giá cả bình dân nên tấp nập khách ra vào mua hàng. Chị Phan Thị Nhi (khách hàng ở phường Tân Tiến) chia sẻ, thời buổi khó khăn này, quần áo, túi xách, giày dép phải đứng sau các nhu cầu thiết yếu khác, nên chị bỏ dần thú vui mua sắm hàng hiệu tại các shop thời trang lớn để mua hàng tại các cửa hàng thời trang bình dân cho tiết kiệm. Và Nụ (tọa lạc trên đường Phan Bội Châu) là một trong các cửa hàng thu hút sự chú ý của chị. Tại đây, khách hàng chỉ cần bỏ ra trên 200.000 đồng là có thể sở hữu ngay “bộ cánh” thời trang, bắt mắt… Dù rẻ, nhưng chất liệu vải cũng có thể chấp nhận được, hơn nữa, đã là thời trang thì phải được thay đổi thường xuyên cho hợp “mốt”.

Các cửa hàng quần áo thời trang bình dân lúc nào cũng tấp nập khách vào ra mua sắm.
Các cửa hàng quần áo thời trang bình dân lúc nào cũng tấp nập khách vào ra mua sắm.

Quả thật, quần áo may sẵn, đủ màu sắc, kiểu dáng, giá bình dân đã trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người, vì vậy, kinh doanh hàng giá rẻ đã khiến nhiều chủ cửa hàng thời trang ăn nên làm ra. Chỉ cần 75.000 đồng là có thể mua được một chiếc áo thun kiểu, hoặc 150.000 thì mua được áo đầm, áo sơ mi có giá từ 95.000-120.000 đồng/ chiếc, mẫu mã, màu sắc khá đa dạng, đủ chất liệu vải, từ thun, voan, kaky đến quần, váy áo thời trang đa phong cách, áo công sở…

Cơ hội phân khúc thị trường

Nhiều cửa hàng thời trang thi nhau mọc lên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho thấy cái nhìn lạc quan ở sức mua trên thị trường dù nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn. Đặc biệt, là triển vọng ở việc phân khúc thị trường khách hàng bình dân dường như đang có sức hấp dẫn mạnh, khiến nhiều nhà kinh doanh mạnh dạn đầu tư. Theo chị Hiền - chủ cửa hàng quần áo thời trang trên đường Trần Phú thì trong cái khó cũng có nhiều “điểm sáng”, tạo nên cơ hội có một không hai, chẳng hạn, với điều kiện hiện nay, việc tìm địa điểm thuê mặt bằng và giá cho thuê cũng thuận lợi hơn nhiều, hơn nữa, cửa hàng còn nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nhà cung cấp. Trên thực tế, đi shopping là thú vui của nhiều chị em, nhưng thời trang, nhất là mặt hàng thời trang cao cấp vốn xa xỉ nên người tiêu dùng (NTD) thường phải cân nhắc trước khi chọn mua. Do vậy, việc “nhắm” đến một số đối tượng nhất định cũng là vấn đề nhạy bén của nhà kinh doanh.

Để giảm bớt áp lực chi tiêu cho NTD, các cửa hàng thời trang đã nghĩ ra nhiều cách để “níu” người mua. Vì vậy, mỗi cửa hàng có một “chiêu thức” riêng, chẳng hạn, xác định được đối tượng, tâm lý khách hàng thời điểm này như: giá phải rẻ, có càng nhiều chương trình giảm giá hoặc mua hàng kèm quà tặng dành cho khách hàng càng tốt, chú trọng ở thái độ phục vụ, vui vẻ cho khách hàng đổi, trả nếu mua về mà thấy hàng không ưng ý. Song, điều quan trọng vẫn là phải thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang mới nhất để phục vụ “thượng đế”. “Đã kinh doanh hàng thời trang thì phải hợp thời, cập nhật mẫu mã mới thường xuyên để thu hút khách hàng đến với shop của mình”- chị Ngô Thị Hường - chủ cửa hàng quần áo trên đường Hoàng Diệu chia sẻ.

Trong lúc NTD dè dặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm hàng hiệu dường như trở nên xa xỉ, các nhà kinh doanh thời trang đang hướng tới thị trường mới. Trên thực tế, kinh doanh mặt hàng thời trang thời buổi khó khăn này vẫn còn nguyên sức hấp dẫn, đây cũng là tín hiệu tích cực, vấn đề còn lại là nhà kinh doanh biết chọn tìm mặt bằng bán buôn gần khu dân cư, nắm bắt tâm lý, thị hiếu khách hàng, hướng đến NTD bình dân… thì hoàn toàn vẫn có thể đứng vững và phát triển.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.