Multimedia Đọc Báo in

Thu ngân sách năm 2012: Cần những giải pháp đột phá

08:35, 26/10/2012

Tính đến hết tháng 9-2012, tổng thu ngân sách Nhà nước trong tỉnh đạt hơn 2.560 tỷ đồng, xấp xỉ 62% dự toán HĐND tỉnh giao, hơn 97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu thuế, phí gần 2.245 tỷ đồng, gần 65% dự toán và hơn 61% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này đặt ra yêu cầu, muốn hoàn thành dự toán thu ngân sách rất cần có những giải pháp đột phá…

Hàng hóa chậm được tiêu thụ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả chậm nộp ngân sách của DN. (ảnh minh họa)
Hàng hóa chậm được tiêu thụ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả chậm nộp ngân sách của DN. (ảnh minh họa)

Thiếu hụt nguồn thu

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2012 do tình hình kinh tế có nhiều yếu tố bất lợi, giá các mặt hàng chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su có chiều hướng giảm; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó tình trạng thiếu vốn đầu tư vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nói chung, người nộp thuế nói riêng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tại huyện Cư Kuin, theo dự báo của Chi cục Thuế, ước tổng thu thuế, phí và lệ phí cả năm 2012 chỉ hơn 108 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 92% dự toán được giao mà nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn trên gây ra. Lãnh đạo Chi cục Thuế Cư Kuin cho biết, từ đầu năm đến nay có hàng chục hộ kinh doanh nông sản, xăng dầu ngưng, nghỉ kinh doanh; số còn hoạt động (kể cả DN) cũng chỉ cầm chừng, doanh thu giảm đáng kể so với những năm trước. Số liệu cập nhật của Chi cục Thuế huyện Cư Kuin cho thấy, có DN năm 2011 nộp ngân sách hơn 13 tỷ đồng, nhưng 8 tháng đầu năm 2012, con số này chỉ khoảng 560 triệu đồng; có nhiều hộ kinh doanh nông sản năm trước nộp hàng tỷ đồng, nhưng những tháng đầu năm nay chỉ phát sinh vài chục triệu đồng. Tại huyện Ea Súp, Chi cục Thuế huyện dự báo năm 2012 chỉ thu được khoảng 9,2 tỷ đồng, thiếu hơn 5,6 tỷ đồng so với dự toán. Ngoài lý do thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế; năm 2012, huyện Ea Súp không được giao chỉ tiêu khai thác gỗ rừng; một số DN chế biến lâm sản vi phạm pháp luật nên bị tạm đình chỉ hoạt động… thì tình hình kinh tế khó khăn cũng tác động đáng kể đến kết quả thu ngân sách của huyện. Rõ nhất là năm 2011, trên địa bàn huyện có 1 DN kinh doanh nông sản nộp VAT 1,7 tỷ đồng, nhưng năm nay do thua lỗ, đã giải thể. Nhìn chung, hầu hết các địa phương đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn thu, huyện ít cũng vài chục tỷ đồng, huyện nhiều thì cả trăm tỷ đồng.

Vẫn thiếu biện pháp quản lý thuế hữu hiệu đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản                                                             (ảnh minh họa).
Vẫn thiếu biện pháp quản lý thuế hữu hiệu đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản (ảnh minh họa).

Do sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế ngưng trệ, cùng với việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế nên số nộp ngân sách của các thành phần kinh tế giảm đáng kể so với cùng kỳ. Chẳng hạn, khu vực quốc doanh Trung ương giảm 43 tỷ đồng thuế TNDN; khu vực DN Nhà nước địa phương giảm 116 tỷ đồng thuế TNDN, VAT và thuế tài nguyên; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài  giảm 11 tỷ đồng thuế TNDN và VAT; khu vực ngoài quốc doanh giảm 148 tỷ đồng …

Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Ngoài nguyên nhân khách quan, thực tế cho thấy công tác thu ngân sách thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2012 vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình nhất là thất thu thuế ở khu vực ngoài quốc doanh, mà chủ yếu là lĩnh vực kinh doanh nông sản, dịch vụ vận tải, xây dựng cơ bản tư nhân vẫn còn phổ biến. Trong đó, rất dễ nhận thấy là có không ít DN quy mô hoạt động lớn, nhưng thuế TNDN đóng góp cho ngân sách không đáng kể. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này, ngành Thuế vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Tình trạng người mua hàng không lấy hóa đơn cũng diễn ra khá phổ biến, không xuất hóa đơn bán hàng nhằm bỏ doanh thu ngoài sổ sách là một trong những “chiêu” đang được nhiều người nộp thuế sử dụng nhằm trốn thuế. Một món hàng không xuất hóa đơn, ít nhất ngân sách cũng mất 2 khoản thuế TNDN và VAT. Để bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản vào ngân sách và sự công bằng giữa những người nộp thuế, nên chăng ngành Thuế cần sử dụng tổng hợp các biện pháp: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc đôn đốc thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng; thường xuyên phân tích, đánh giá kết quả thu nhằm phát hiện những khoản thu, địa bàn còn tiềm năng để triển khai biện pháp quản lý thu cho phù hợp… Đặc biệt, cần ưu tiên nguồn lực, tập trung thanh, kiểm tra các ngành, lĩnh vực phát sinh nguồn thu lớn; DN có hoạt động giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như ngân hàng, dược, khoáng sản, xuất khẩu nông lâm sản, nhà hàng, khách sạn… Cùng với đó, công tác kiểm tra nội bộ cũng cần phải được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức trong ngành có hành vi vi phạm pháp luật, gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân và DN. “Một khi việc thanh, kiểm tra chưa được quan tâm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì chưa thể nói đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế”, giám đốc một DN tư nhân nói.

Lê Ngọc - Minh Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.