Thực hiện các dự án thủy điện ở Tây Nguyên Những bất cập nảy sinh
Miền Trung-Tây Nguyên là địa bàn có nhiều dự án thủy điện (DATĐ) lớn, nhỏ được xây dựng. Vì vậy, các chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, di dời và tái định cư trong quá trình thực hiện các dự án đang rất được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, ngoài việc thường xuyên được sửa đổi, bổ sung chính sách trên theo hướng ngày càng bảo đảm quyền lợi cho người dân, thì hệ thống văn bản qui định về công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện…
Trước sau chồng chéo
Được biết, hiện nay việc xây dựng các DATĐ phải thực hiện theo quy định tại các Nghị định 181, 197, 170, 84, và 62… của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2004 đến nay, cùng hàng loạt quyết định của UBND cấp tỉnh…
Qua thực tế cho thấy, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư tại các DATĐ lớn thường kéo dài một vài năm theo tiến độ đầu tư, xây dựng công trình. Vì thế, việc thay đổi quá nhanh và liên tục các chính sách liên quan đã gây khó khăn, phức tạp cho cả chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư trong quá trình thực hiện. Một chuyên viên chính sách của EVN nêu: Tại công trình Thủy điện An Khê-Ka Nak, sau khi Quyết định 34/2010/QĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 1-6-2010), UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu chủ đầu tư EVN thu hồi bổ sung và bồi thường khoảng 400 ha đất nằm trên cốt ngập của hồ chứa, nhưng cách xa nơi tái định cư của người dân hoặc không có đường vào để sản xuất. Trong khi Quyết định này không quy định cụ thể việc xử lý các trường hợp chuyển tiếp…, và theo đó EVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường của dự án trước ngày 1-6-2010 theo quy định cũ. Thêm nữa, Quyết định 34 cũng chưa quy định cụ thể về khoảng cách và điều kiện giao thông từ nơi tái định cư đến vị trí sản xuất. Vì vậy EVN đã đề nghị tỉnh Gia Lai hướng dẫn hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện đúng quy định trên.
Những DATĐ được quy hoạch, xây dựng không nằm trên đất sản xuất nông nghiệp của người dân thì tiến độ thi công nhanh, định suất đầu tư ít thay đổi do việc đền bù, giải tỏa công trình không trở thành gánh nặng của nhà đầu tư. Trong ảnh: Thủy điện Krông K’ma. |
Bất cập còn được thể hiện tại Nghị định số 69/2009 của Chính phủ, quy định việc hỗ trợ bằng tiền để chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân trong vùng dự án bằng 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp, đồng thời giao cho UBND tỉnh có quết định phù hợp với thực tế địa phương. Song, việc áp dụng và thực hiện quyết định này cũng gặp một số vấn đề cần phải cân nhắc. Chẳng hạn các DATĐ nằm trên địa bàn hai tỉnh trở lên, do có sự chênh lệch về chế độ hỗ trợ giữa các tỉnh nên đã phát sinh đòi hỏi quyền lợi và tâm lý chây ỳ của người dân, khiến tiến độ thi công dự án chậm trễ. Quy định hỗ trợ bằng tiền từ 1,5- 5 lần giá trị đất nông nghiệp có phạm vi quá rộng, gây khó khăn cho UBND các tỉnh trong việc giải quyết theo Nghị định 69 của Thủ tướng Chính phủ. Một số DATĐ nằm trên địa bàn các tỉnh có quy định mức hỗ trợ cao đã làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, phương án huy động vốn và tiến độ thực hiện dự án. Ví dụ tại Lâm Đồng, với mức hỗ trợ bằng 3 lần, DATĐ Đồng Nai 2 đã phát sinh hơn 450 tỷ đồng tiền đề bù, bồi thường và hỗ trợ cho người dân, kéo theo chi phí xây dựng của DATĐ này cũng tăng hơn 800 tỷ đồng do biến động về giá vật tư, vật liệu, chi phí nhân công, tỷ giá ngoại tệ thời gian kéo dài…
Thêm nữa, Nghị đinh 69 cũng chưa xem xét diện tích đất sản xuất còn lại của người dân bị ảnh hưởng để quy định hợp lý việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới cho cư dân. Tại DATĐ An Khê-Ka Nak, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu EVN bổ sung, hỗ trợ cho người dân huyện K’Bang nằm trong vùng dự án, mặc dầu đất sản xuất còn lại của các hộ dân ở đây vẫn lớn hơn, hoặc bằng hạn mức giao đất của địa phương. Trong khi đó, tại Nghị định 197 và 17 quy định chủ đầu tư chỉ phải hỗ trợ đối với các hộ dân trong vùng dự án bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp.
Hệ lụy...
Rõ ràng, từ những chồng chéo trên đã dẫn đến sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhằm giải quyết các phát sinh, tồn tại ở một số DATĐ chưa chặt chẽ và thiếu hiệu quả. Hệ lụy kéo theo là việc xâm chiếm, tranh chấp chủ quyền sử dụng đất tái định canh, định cư… cũng như hỗ trợ, đền bù tại nhiều DATĐ: Plei Krông, An Khê-Ka Nak (Gia Lai), Đồng Nai 2 (Lâm Đồng) và Sêrêpôk 4 (Dak Lak)… kéo dài nhiều năm mà không được giải quyết, dẫn đến tình trạng khiếu kiện hết sức phức tạp.
Thêm nữa, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngoài mặt bằng công trình tại một số DATĐ của các cơ quan Nhà nước có liên quan cũng chưa chặt chẽ nên để lâm tặc lợi dụng tuyến đường thi công, vận hành của các DATĐ vào chặt phá, xâm hại rừng trái phép. Ông Đinh Văn Khiết - Phó chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak tỏ ra rất lưu tâm đến điều này. Và khi tham gia với Bộ Công thương, EVN cùng một số ban, ngành liên quan để góp ý sửa đổi chính sách, chủ trương có liên quan đến rừng và thủy điện hồi đầu năm nay, ông Khiết dẫn chứng: Điển hình, tại DATĐ Buôn Tua Sra (Dak Lak-Dak Nông), tuy nằm bên cạnh tuyến đường thi công, vận hành công trình, nhưng rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar không bị xâm hại nhờ được quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Ngược lại, hầu hết rừng ven hồ chứa nước thủy điện Buôn Tua Sra thuộc Dak Nông, dù không có đường giao thông vào tận nơi, nhưng đã bị người dân chặt phá rừng để lấy đất canh tác. Từ thực tế này đặt ra câu hỏi: Vậy rừng ở đó (nằm trong các DATĐ) do ai quản lý, bảo vệ? Nhà nước, mà trực tiếp là chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã có sự phối hợp ra sao, dựa trên văn bản qui phạm nào để giải quyết thấu đáo và có trách nhiệm vấn đề trên?
Những chồng chéo, bất cập còn tồn tại trong các chính sách, chủ trương của Nhà nước về việc đền bù, hỗ trợ cho người dân tại các DATĐ trên địa bàn Tây Nguyên, cũng như sự phối hợp giữa chính quyền các tỉnh với chủ đầu tư (là EVN) nói chung còn chưa được chú trọng, cụ thể hóa… đã cho thấy vẫn còn một khoảng cách khá xa từ chính sách, pháp luật đến thực tế là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phải sớm thống nhất việc ban hành nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm liên quan trong việc thực hiện các DATĐ phù hợp với điều kiện thực tế hơn. Có như vậy mới không gây ra xung đột lợi ích, trách nhiệm giữa các bên… và trên hết là đời sống của người dân bị ảnh hưởng vì thủy điện cũng được bảo đảm và yên tâm trước những quyền lợi chính đáng mà Nhà nước dành cho mình.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc