Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui cho hạ tầng giao thông

08:34, 30/10/2012

Vượt qua những khó khăn, chật vật do thiếu vốn trong 2 năm 2011 – 2012, những tháng cuối năm nay, các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đã và đang được “bơm vốn”, báo hiệu những chuyển biến tích cực cho hạ tầng giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân...

Hệ thống đường bộ Dak Lak có tổng chiều dài 7.581Km, trong đó, có 5 tuyến quốc lộ (QL) đi qua (14, 14C, 26, 27 và 29), đã được nhựa hóa 80%. Trong đó, QL14 (đoạn qua địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) do thiếu vốn nên chủ đầu tư phải tạm dừng công trình, làm cho tuyến đường ngày càng bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nguồn vốn, hỗ trợ các nhà đầu tư  xây dựng các dự án trên tuyến đường này. Trong buổi làm việc, ông Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, Dự án càng kéo dài thời gian thì càng tốn kém, do đó những đoạn có vốn rồi, chủ đầu tư cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ, đoạn nào thiếu đề nghị Chính phủ cho ứng vốn trước để sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Với những đoạn đang triển khai theo hình thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao), đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư như: giảm lãi vay, nâng mức thu phí, Nhà nước cùng tham gia với các nhà đầu tư theo hình thức PPP (Hợp tác công - tư). Trong kỳ làm việc khác giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng đã thống nhất giải pháp xây dựng tuyến đường theo hình thức BOT vừa dùng vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, chậm nhất đến năm 2015 toàn bộ tuyến Quốc lộ 14 sẽ được nâng cấp toàn diện theo đúng kế hoạch, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Còn về phía địa phương cũng đã chủ động ứng trước một phần vốn để tiến hành giải tỏa, sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi chủ đầu tư cần để triển khai thi công cầu Duy Hòa (thuộc gói thầu của Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn phía Nam TP.Buôn Ma Thuột - đây là điểm thường gây khó khăn nhất cho người dân trong thời gian qua.

Dự kiến đến cuối tháng 7-2013 sẽ hoàn thành cầu Buôn Trấp (Krông Ana).
Dự kiến đến cuối tháng 7-2013 sẽ hoàn thành cầu Buôn Trấp (Krông Ana).

Bên cạnh tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh, các công trình giao thông trọng điểm của địa phương cũng vừa được UBND tỉnh phân bổ kinh phí để tiếp tục triển khai thi công. Cụ thể, bổ sung 8 tỷ đồng cho 2 cây cầu trọng điểm của tỉnh gồm cầu Vụ Bổn (huyện Krông Pak) và cầu Buôn Trấp (Krông Ana). Được biết, cầu Vụ Bổn khởi công xây dựng từ năm 2004, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2005, còn cầu Buôn Trấp khởi công năm 2008, tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011, nhưng do thiếu vốn nên đều bị tạm dừng thi công. Việc xây dựng cầu chậm so với tiến độ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất của bà con, hàng hóa không thông thương được với bên ngoài, thậm chí khi mùa mưa lũ đến còn xảy ra chết người, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Trần Thủ, Giám đốc Ban quản lý dự án (Sở Giao thông vận tải) cho biết, hiện nay thời tiết rất thuận lợi cho việc thi công các hạng mục còn lại của 2 công trình nói trên, đầu tháng 10 Ban đã có văn bản đôn đốc đơn vị thi công tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị triển khai công việc theo tiến độ quy định, đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ về chất lượng, thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn cho người dân trong thời gian thi công công trình. Ông Thủ quả quyết, nếu được bố trí nguồn vốn đầy đủ, chậm nhất đến giữa năm 2013 sẽ hoàn thành 2 công trình cầu nói trên, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Cùng với đó, một số công trình giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, do UBND các huyện làm chủ đầu tư cũng được bố trí vốn để thanh quyết toán như: đường giao thông từ quốc lộ 26 vào điểm dân cư Ea Pra, xã Ea Trang (M’Drak) 361 triệu đồng; đường liên xã Cư Róa - Ea Riêng (M’Drak) 362 triệu đồng; đường từ xã Du Kmăl đi buôn Triết (Krông Ana) 116 triệu đồng; đường liên xã Hòa Hiệp-Dray Bhăng (Cư Kuin) 1 tỷ đồng; đường giao thông nối quốc lộ 26 với xã Ea Kmút (Ea Kar) 700 triệu đồng; đường  giao thông từ cầu sắt Ea Súp đi Ea Lê và Ea Rốc (Ea Súp) 300 triệu đồng; đường liên xã Ea Pil-Cư Prao (M’Drak) 99 triệu đồng…

Để các nguồn vốn được sử dụng một cách hiệu quả nhất, tại Quyết định số 1848/QĐ-UBND về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư phân khai cơ cấu vốn hợp lý cho các gói thầu và phải triển khai thực hiện dự án theo đúng tổng mức đầu tư đã xác định và chỉ được khởi công xây dựng công trình mới khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.