Multimedia Đọc Báo in

Vì sao doanh nghiệp thiếu vốn?

14:02, 12/10/2012

Tính đến cuối tháng 9-2012, số doanh nghiệp (DN) thực tế đang hoạt động chỉ còn khoảng 4.410 đơn vị, chiếm chừng 2/3 số DN đăng ký. Trong khi đông đảo DN cho rằng nguyên nhân chính khiến họ ngưng, nghỉ kinh doanh là do thiếu vốn hoạt động thì ở các ngân hàng (NH) vốn đang dư thừa, không giải ngân được. Vì sao lại có tình trạng này?

Hoạt động thiếu chuyên nghiệp

Nhìn lại tình hình phát triển DN trong 10 năm qua cho thấy tốc độ tăng trưởng qua các năm là rất lớn, mỗi năm có hàng trăm DN mới ra đời. Cụ thể: năm 2002 có gần 200 DN đăng ký mới, năm 2003 cũng gần 170 DN, năm 2004 hơn 400 DN… Đỉnh điểm có lẽ là năm 2009 với số DN đăng ký mới xấp xỉ 950 DN. Tốc độ tăng số lượng DN chỉ mới chựng lại trong hai năm gần đây, năm 2010 có 825 DN đăng ký mới, năm 2011 gần 650 DN và 9 tháng đầu năm 2012 gần 450 DN. Cùng với đó, số vốn đăng ký bình quân của DN cũng có sự tăng trưởng đáng kể: năm 2000 vốn đăng ký bình quân khoảng 620 triệu đồng/DN; năm 2005 chừng 2 tỷ đồng/DN và năm 2011 đã tiến đến con số trên dưới 5 tỷ đồng/DN.

Nếu DN hoạt động hiệu quả thì NH chủ động tìm đến cho vay. Trong ảnh: Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.
Nếu DN hoạt động hiệu quả thì NH chủ động tìm đến cho vay. Trong ảnh: Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Mặc dù số DN và số vốn đăng ký mới có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm, nhưng nhìn chung năng lực hoạt động còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của Hiệp hội DN Dak Lak, hầu hết các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng, thương mại, rất ít DN đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp và chế biến; chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế; trình độ quản lý của không ít lãnh đạo DN chưa đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập; máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu; vốn kinh doanh ít… nên không ứng phó kịp khi gặp những tác động bất lợi từ bên ngoài. Thực tế hoạt động của các DN trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thương mại-dịch vụ trong thời gian gần đây cho thấy rất rõ điều đó. Khi việc đầu tư công bị cắt giảm; giá vật tư, nhiên liệu đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng cao thì ngay lập tức có khá nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, thậm chí là rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Cùng nhận xét này, lãnh đạo nhiều NH cho rằng, hai hạn chế lớn nhất của các DN trên địa bàn hiện nay là khả năng hấp thụ vốn và năng lực quản lý. Mặc dù các DN luôn than phiền khó hoặc không tiếp cận được vốn tín dụng NH, nhưng lại quên rằng chính khả năng hấp thụ vốn của bản thân DN mới là tác nhân chính gây ra tình trạng này. Nhiều DN hiện nay không đủ khả năng hấp thụ vốn do bị nợ xấu nên không thể vay thêm được nữa, hoặc không có phương án kinh doanh hiệu quả nên không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Năng lực quản lý DN cũng là vấn đề đáng quan tâm, với không ít lãnh đạo DN trưởng thành từ thực tiễn, nhất là đối với DN tư nhân nên chưa được đào tạo qua trường lớp, không có trình độ chuyên môn phù hợp, do đó không nắm bắt được nguyên lý hoạt động đặc thù của ngành nghề kinh tế mà DN đang hoạt động. Chính điều này làm giảm khả năng chủ động tiếp cận, mở rộng thị trường, kết nối kinh doanh với các DN trong và ngoài nước, dẫn đến tình trạng hoạt động kinh doanh mang tính thụ động, không ứng phó kịp thời trước những thay đổi về môi trường kinh doanh. Dù không đủ trình độ để định hướng rõ chiến lược kinh doanh nhưng lại đầu tư dàn trải, đa ngành nghề; phụ thuộc quá lớn vào vốn đi vay; công nghệ sản xuất lại lạc hậu, tay nghề công nhân thấp thì chuyện gặp rủi ro trong điều kiện thị trường biến động là điều dễ hiểu.

Tái cấu trúc để sử dụng vốn hiệu quả

Có một vấn đề đáng quan tâm là trong thời gian gần đây, tình trạng DN rút lui khỏi thị trường liên tục tăng. Chỉ riêng năm 2011, toàn tỉnh có 49 DN giải thể, 25 chi nhánh và 7 văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 9 tháng đầu năm 2012, 40 DN giải thể, 15 chi nhánh và 4 văn phòng chấm dứt hoạt động. Đây chỉ là số DN ngưng, nghỉ hoạt động có làm thủ tục báo cáo cơ quan quản lý, trong thực tế số DN không hoạt động còn cao hơn nhiều. Bên cạnh số ít DN ngưng, nghỉ kinh doanh để chuyển đổi ngành nghề, sáp nhập, đa phần còn lại là do kinh doanh thua lỗ. Hầu hết các DN đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn do không tiếp cận được vốn tín dụng NH.

Việc DN thiếu vốn là có thật, song không phải việc bơm thêm vốn lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Trong một số trường hợp, đưa vốn vào không đúng địa chỉ và thời điểm sẽ kéo theo hệ lụy, vừa mất thêm vốn, vừa làm cho tình hình xấu đi. Vấn đề quan trọng là DN phải tự tái cấu trúc, khắc phục được những hạn chế nội tại để sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả. Đồng thời, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực, kịp thời hơn từ phía các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội ngành nghề, biện pháp khả thi nhất chính là DN phải tự thân vận động, năng động hơn nữa trong xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp cho DN là cần bắt đầu từ thị trường, sản xuất phải gắn với nhu cầu của thị trường, vì thế, buộc các DN phải đánh giá lại các chiến lược của mình như chiến lược phát triển DN, sản phẩm, nguồn nhân lực… Ngoài ra, DN cũng cần phải xác định rõ cho mình đâu là ngành nghề kinh doanh chính, có lợi thế để xây dựng chiến lược cho phù hợp. Với quy mô không lớn, DN Dak Lak dễ dàng thay đổi thiết bị, công nghệ, chuyển hướng kinh doanh cho phù hợp, minh bạch thông tin kế toán để tạo thêm nhiều kênh thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết... nhằm giảm bớt gánh nặng vay vốn NH. Vấn đề cuối cùng là tự thân các ông chủ DN phải nâng cao năng lực quản trị cho chính mình để đủ tầm điều hành, từ đó tăng cơ hội thành công. Đại diện các NH cho rằng, khi đã làm được những điều nêu trên, chẳng cần DN liên hệ thì các NH cũng tự tìm đến để cho vay vốn.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.