Multimedia Đọc Báo in

Chương trình tín dụng học sinh-sinh viên: “Điểm tựa” của học sinh - sinh viên nghèo

08:22, 21/11/2012

Sau 5 năm triển khai, tính đến cuối tháng 8-2012, tổng dư nợ cho vay học sinh-sinh viên (HS-SV) trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS-SV tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt hơn 953 tỷ đồng. Số tiền này đã thật sự là “điểm tựa” giúp hơn 61.000 HS-SV của gần 48.100 hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục con đường học tập.

Đại diện hộ gia đình làm thủ tục vay vốn tín dụng HS-SV.
Đại diện hộ gia đình làm thủ tục vay vốn tín dụng HS-SV.

Mở đầu câu chuyện vay vốn tín dụng HS-SV cho các con ăn học, ông Nguyễn Văn Hóa (thôn 3, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pak) xúc động: “Chúng tôi biết ơn Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho gia đình vay vốn trang trải việc học tập của các cháu. Nếu không có chương trình tín dụng này, chắc rằng các cháu không thể tiếp tục việc học như ngày hôm nay”. Gia đình ông Hóa thuộc diện hộ nghèo, việc bảo đảm cái ăn cái mặc cho cả gia đình đã rất khó khăn, chưa nói gì đến đầu tư cho con cái ăn học, đặc biệt là học tiếp các bậc học sau phổ thông. Chính vì thế, trong số 6 con đang tuổi ăn học thì có tới 5 người theo học đại học, cao đẳng phải “dựa” hẳn vào số vốn vay được từ chương trình tín dụng HS-SV. Tính đến nay, tổng số tiền mà gia đình ông vay theo chương trình tín dụng này đã xấp xỉ con số 76 triệu đồng. Trường hợp gia đình bà Phạm Thị Lệ Phúc, trú tại thôn Đoàn Kết I, xã Buôn Triết, huyện Lak cũng vậy. Từ năm 2011 trở về trước, gia đình bà Phúc là hộ nghèo, còn hiện tại là hộ cận nghèo nên việc đầu tư cho các con ăn học rất khó khăn. Bà Phúc cho biết: trong 6 người con đang theo học thì có tới 4 người phải vay 102 triệu đồng từ chương trình tín dụng HS-SV để trang trải việc học; hiện tại gia đình đã trả được một phần. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, chắc chắn các con tôi phải bỏ học giữa chừng. Vì là nông dân nghèo, chúng tôi không thể “tìm” đâu ra số tiền lớn với lãi suất thấp, thời hạn vay dài như vốn của chương trình tín dụng HS-SV”. Còn ông Nguyễn Đức Chiến, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 6A, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo thì cho biết: trước khi Chính phủ ban hành Quyết định 157, nhiều hộ dân ở đây phải ngậm ngùi cho con em nghỉ học vì không có đủ nguồn lực tài chính trang trải cho việc học. Nay thì đã khác, không ít hộ gia đình nghèo, cận nghèo cũng vẫn cho con cái ăn học thành tài nhờ chương trình tín dụng HS-SV. Có thể khẳng định, chính sách tín dụng này đã giải quyết được vòng luẩn quẩn “nghèo-thất học-nghèo” một cách hiệu quả. “Nhờ nguồn vốn tín dụng của chương trình này mà gia đình tôi mới dám cho 2 con học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi thật sự yên tâm, hạnh phúc khi gánh nặng lo học hành cho các con đã được Đảng, Chính phủ ghé vai đỡ bớt…!”, bà Lê Thị Mai, một thành viên trong tổ vay vốn do ông Chiến làm tổ trưởng xúc động nói.

 Giải ngân cho vay lưu động tại xã Ea Kao,  TP. Buôn Ma Thuột.
Giải ngân cho vay lưu động tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng HS-SV, được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, sự phối hợp của các tổ chức hội đoàn thể cho vay ủy thác; đồng thời nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đến nay các hộ gia đình vay vốn thời gian đầu có con em ra trường đã thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tỷ lệ thu nợ đến hạn kỳ cuối đạt 95%, tỷ lệ thu nợ phân kỳ đạt trên 35%. Nguồn vốn thu hồi trên cũng đã giúp chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay quay vòng trong khi nguồn vốn cân đối từ Trung ương còn khó khăn.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy: mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, song việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách này đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn một số tồn tại. Điển hình như việc xác nhận của một số trường đại học, trung cấp, cao đẳng chưa đầy đủ trên giấy xác nhận theo mẫu quy định hoặc sai mẫu nên làm chậm quá trình giải ngân cho vay; UBND một số xã chưa thực hiện đầy đủ việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, cận nghèo, hoặc gặp khó khăn đột xuất về tài chính dẫn đến nhiều hộ thực sự khó khăn nhưng không được vay vốn cho con em học tập. Công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên dẫn đến nhiều hộ có điều kiện trả nợ nhưng không chấp hành một cách đầy đủ; cá biệt có những hộ sau khi được vay vốn đã chuyển đi nơi khác, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ… Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của đơn vị là phối hợp với các cơ quan liên quan để khắc phục có hiệu quả những tồn tại nêu trên. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện về vốn để đáp ứng nhu cầu vay của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm không để HS-SV nào phải nghỉ học vì khó khăn về tài chính. Ngoài ra, Chi nhánh cũng sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế như: đề nghị bổ sung đối tượng là hộ có từ hai con trở lên đi học, hộ đông con, thiếu đất canh tác… vào đối tượng được vay vốn chương trình tín dụng này (nhưng có thể  áp dụng mức lãi suất cao hơn); điều chỉnh mức cho vay phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường trong từng thời kỳ.

*Phân tích cơ cấu dư nợ theo đối tượng thụ hưởng trong 5 năm qua cho thấy: Đối tượng vay vốn chương trình tín dụng HS-SV nhiều nhất là hộ cận nghèo: 26.525 hộ, vay gần 554 tỷ đồng; tiếp đến là hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất: 10.954 hộ, số tiền vay gần 201 tỷ đồng; đứng thứ ba là hộ nghèo: 10.609 hộ, số tiền vay hơn 198 tỷ đồng; đối tượng vay vốn là lao động nông thôn đi học nghề, sinh viên hoàn cảnh mồ côi, bộ đội xuất ngũ chiếm ít nhất, chỉ có 11 hộ, vay 97 triệu đồng.

*Tính đến nay, Chi nhánh NH Chính sách xã hội tỉnh có 184 điểm giao dịch tại 184 xã, phường, thị trấn. Mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi và huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đều được thực hiện tại các điểm giao dịch.Việc bình xét cho vay được thực hiện công khai tại các thôn, buôn, tổ dân phố dưới sự chứng kiến của ban tự quản cấp thôn, tổ chức Hội cấp xã và các tổ viên tổ vay vốn và tiết kiệm.

*Doanh số cho vay HS-SV 5 năm qua đạt gần 1.104 tỷ đồng; doanh số thu nợ xấp xỉ 155 tỷ đồng; dư nợ hiện tại đạt hơn 953 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2017, dự kiến doanh số cho vay HS-SV khoảng 1.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 200 tỷ đồng); doanh số thu nợ khoảng 600 tỷ đồng; dư nợ đến cuối năm 2017 đạt 1.390 tỷ đồng. Như vậy, bên cạnh nguồn vốn thu hồi để cho vay quay vòng thì cần số vốn cấp mới chừng 400 tỷ đồng.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc