Heo chết tại các xã vùng sâu huyện Ea Kar: Công tác xử lý thiếu đồng bộ
Ngay sau khi UBND huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch heo tai xanh trên địa bàn (ngày 2-10-2012) thì tại 2 xã vùng sâu Cư Yang và Cư Bông, người chăn nuôi vẫn đang lao đao vì heo bệnh chết hàng loạt. Do vậy, công tác phòng ngừa dịch bệnh và cách thức xử lý để tái đàn heo của các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar: dịch heo tai xanh bắt đầu bùng phát trở lại (sau năm 2010) trên địa bàn kể từ ngày 30-6-2012 với diễn biến phức tạp tại 15/16 xã, thị trấn. Đến ngày 11-9-2012 (ngày xác định ổ dịch cuối cùng được tiêu diệt) đã có 4.987 con heo mắc bệnh, tiêu hủy 3.245 con có trọng lượng gần 118 tấn, sau 21 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch.
Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, tại 2 xã Cư Yang và Cư Bông, tình trạng heo bị bệnh và chết vẫn đang tiếp tục diễn ra cả thời điểm trước và sau khi huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch heo tai xanh. Ông Ngô Quốc Bảo ở thôn 5, xã Cư Yang cho hay: đàn heo của gia đình ông (khoảng 80 con) bắt đầu bị bệnh, chết từ ngày 7-9-2012 rải rác đến nay đã tiêu hủy 20 con (cả heo con và heo nái). Thời điểm trước khi huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch thì số heo bệnh và chết của gia đình ông vẫn được chính quyền địa phương xác nhận là do vi rút heo tai xanh, nhưng chỉ vài ngày sau đó heo cũng bị bệnh, chết thì không được công nhận. Một số người dân cho biết: hiện nay trên địa bàn toàn xã có khoảng trên 10 hộ chăn nuôi đang có heo bị bệnh và chết rải rác, nhưng do chính quyền địa phương không xác nhận là do dịch heo tai xanh nên công tác phun thuốc, tiêm vác xin phòng ngừa bệnh cho đàn heo của người dân bị buông lỏng. Chưa hết, việc tiêu hủy số heo bị bệnh chết lại không theo quy định (đào hố chôn lấp và xử lý qua vôi bột, hóa chất), có hộ còn giết thịt heo chết để nấu cho cá, gia súc, gia cầm khác ăn hoặc vứt xuống suối, vì thế bệnh dễ lây lan sang nhà khác.
Anh Hoàng Bá Quyền (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) bên chuồng trại chăn nuôi heo sau dịch bị bỏ không. |
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Cư Yang lại khẳng định: Sau khi huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch heo tai xanh thì số heo bị bệnh chết tại địa phương những ngày qua chỉ là do Tụ huyết trùng nên huyện đã cử cán bộ thú y xã đến các hộ dân trên để kiểm tra và hướng dẫn bà con tiêm phòng, điều trị. Khác với nhận định trên, tại địa bàn xã Cư Bông (cạnh xã Cư Yang, từ thời gian sau ngày 2-10-2012 đến nay đã có 140 con heo bị chết bệnh và tiêu hủy, với trọng lượng khoảng 11 tấn. Cụ thể: hộ ông Hoàng Bá Quyền ở thôn 20 có 35/150 con bị chết, tương đương khoảng 9 tấn heo bị tiêu hủy (thiệt hại khoảng 450 triệu đồng), kế đến là hộ ông Trương Quốc Quyền ở thôn 19 cũng thiệt hại khoảng 2 tấn heo hơi. Chị Phạm Thị Tình, cán bộ văn phòng UBND xã Cư Bông cho biết, khi phát hiện heo của một số bà con trong xã bị bệnh trở lại, chính quyền địa phương đã khẩn trương thông báo và kết hợp với Trạm Thú y huyện Ea Kar đến từng hộ có heo bệnh để kiểm tra và xác định: heo đang bị nhiễm vi rút bệnh tai xanh, với những dấu hiệu chung là biếng ăn, lười uống nước, da biến màu khác thường, thể trạng gầy yếu, mắt có ghèn màu nâu, da phồng rộp, tiêu chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy... Ngay sau đó, UBND xã Cư Bông đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiêm phòng ngừa vác xin, xử lý chuồng trại, khu vục chăn nuôi; đồng thời khoanh vùng những hộ có heo mắc bệnh để xử lý, tránh lây lan; heo chết phải được tiêu hủy cẩn thận, có sự giám sát của chính quyền địa phương. Vì vậy, từ sau khi tái dịch sau công bố đến nay mới phát sinh 3 hộ có heo bị bệnh tai xanh.
Trước thực tế trên, các cơ quan, ban ngành chức năng huyện Ea Kar cần sớm tăng cường các biện pháp kiểm tra, rà soát và chỉ đạo các địa phương ngăn chặn triệt để tình hình dịch bệnh heo tai xanh, nhất là đối với 2 xã nói trên; đồng thời có chính sách đề xuất hỗ trợ người dân có heo bị bệnh tai xanh theo đúng quy định.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc