Hội chợ “Sản phẩm chất lượng và hội nhập Buôn Ma Thuột lần thứ 1-2012”: Mở rộng kênh phân phối cho hàng Việt
Hội chợ “Sản phẩm chất lượng và hội nhập Buôn Ma Thuột lần thứ I-2012” diễn ra trong 6 ngày, từ 17 đến 23-11, tại TP. Buôn Ma Thuột, quy tụ hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây được coi là cơ hội để các DN hợp tác, kinh doanh và khuyến khích người tiêu dùng (NTD) Dak Lak tìm hiểu, mua sắm các mặt hàng trong nước sản xuất.
Hàng hóa phong phú
Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương Dak Lak cho biết: thời điểm này được coi là mùa mua sắm lớn nhất trong năm, vì vậy với sự đa dạng về chủng loại hàng hóa do sự liên kết các DN trong và ngoài tỉnh, hội chợ là cơ hội để NTD có thêm lựa chọn để tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm hàng Việt, góp phần tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như quảng bá thương hiệu Việt đến với đông đảo NTD.
Gian hàng may mặc thu hút sự quan tâm của nhiều người. |
Tại hội chợ lần này, điều dễ nhận thấy là sự đa dạng của các sản phẩm, từ nhóm hàng may mặc đến tiêu dùng, hóa mỹ phẩm công nghệ, cơ khí… Đặc biệt, gian hàng trưng bày các sản phẩm cơ khí của Hội cơ khí Dak Lak với sự có mặt của không ít DN tên tuổi như: bơm chìm Dafovina, máy khoan của cơ khí Ngọc, cối xay Hưng Phát, máy hái cà phê Vinh Long, Béc tưới Thành Phát… thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nông dân trong tỉnh. Tại đây, ngoài việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cán bộ của hội cơ khí nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn bà con cách sử dụng từng loại sản phẩm sao cho an toàn, phù hợp và mang lại hiệu quả tốt nhất. Đối với nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng, ngoài các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: bơ Dakado, măng khô Hợp Nhất, ong mật Dak Lak, hội chợ còn có nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành như: kẹo dừa Bến Tre, nho Ninh Thuận, nồi nhôm Hải Phòng… tạo nên nhiều màu sắc riêng cho hội chợ. Tại khu may mặc, những sản phẩm Việt uy tín được bày bán tại đây với giá khá “mềm” như: quần áo trẻ em hiệu Gia Bảo, H&V giá từ 45.000-98.000 đồng/ bộ, áo sơ mi hiệu Thùy Trang có giá trên 100.000 đồng/ sản phẩm… Ngoài ra, nhiều ngành hàng khác như: hàng tiêu dùng, công nghệ, thực phẩm, đồ dùng gia đình… cũng thu hút đông đảo NTD đến mua sắm. Tuy nhiên, các gian hàng quần áo, giày dép có lẽ chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các gian hàng tại hội chợ và “hút” khách hơn cả trong dịp này. Giá các mặt hàng này chỉ dao động từ vài chục đến trên 100.000 đồng/sản phẩm nên được nhiều người chọn mua. Cùng với đó, tại đây cũng có nhiều điểm bán hàng giảm giá từ 10-20%, hoặc khuyến mãi quà tặng đi kèm nên càng “kích thích” sức mua. Chị Nguyễn Thị Hoa (huyện Krông Pak) cho hay: chị vừa mua chai sữa tắm White care hoa hồng của Công ty TNHH Vĩnh An, có giá 90.000 đồng giảm xuống còn 70.000 đồng, lại được tặng kèm chiếc khăn bông tắm. Rẻ và chất lượng lại là hàng Việt được cấp chứng nhận của Bộ Y tế nên chị rất an tâm tin dùng. Bước ra từ gian hàng may mặc với lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay, chị Vũ Anh (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, quần áo của các DN nội địa có mặt đa dạng hơn ở hội chợ lần này, trong đó đồ thun bộ dành cho người lớn và trẻ em của các hãng như: H&V, San San có giá dưới 100.000 đồng/ bộ, chất lượng vải khá tốt, có khá nhiều mẫu mã… Hơn nữa, tuy là gian hàng bày bán tại hội chợ nhưng khách hàng được quyền thử hoặc trả lại nếu thấy không vừa ý nên rất được ưu tiên chọn mua.
Cơ hội mở rộng thị trường
Sự quy tụ nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú tại hội chợ lần này giúp NTD có thêm nhiều lựa chọn nhưng chất lượng không vì thế mà bị giảm sút. Ông Hoàng Thanh An - Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo thương mại Ý Việt cho biết: để thu hút và bảo đảm quyền lợi của người dân đến tham gia, mua sắm tại hội chợ, thì trước đó việc lựa chọn đơn vị, gian hàng tham gia được ban tổ chức cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó chất lượng sản phẩm của mỗi DN mang đến trưng bày, bày bán phải được đặt lên hàng đầu. Ban tổ chức cũng kiểm soát khắt khe từ khâu niêm yết giá đến nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn của mỗi sản phẩm tham gia. Với các DN tham gia hội chợ, nhất là đối với các DN ngoài tỉnh, doanh số bán ra có lẽ không phải là mục tiêu cuối cùng họ hướng tới, mà mục đích chính là tìm cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Lần đầu tiên tham gia hội chợ tại Dak Lak, anh Trần Văn Thuận, Chủ cơ sở sản xuất rượu - mứt Mỹ Hòa (tỉnh Ninh Thuận) cho hay: “tôi không đặt nặng doanh số bán ra nhiều hay ít tại hội chợ lần này, mà cốt làm sao để NTD Dak Lak biết đến nhiều hơn về các sản phẩm được làm ra từ loại trái cây nổi tiếng Ninh Thuận như: rượu nho, mứt nho. Ngoài việc bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, chúng tôi còn có cả sản phẩm để NTD được tận tay cầm và dùng thử trước khi quyết định chọn mua. Đây sẽ là cơ hội tốt để cơ sở mở rộng thị trường hoặc tìm kiếm đại lý phân phối”. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - chủ gian hàng quần áo Hạnh cho biết, hàng chị bán ra 100% là hàng Việt, giá khá mềm, phù hợp với túi tiền nên được nhiều NTD bình dân lựa chọn. Mới hai ngày diễn ra hội chợ nhưng khách hàng tìm đến khá nhiều. Nhờ hội chợ mà các sản phẩm chị bán ra được nhiều người biết đến và có “chỗ đứng” hơn. Chị Hạnh là một trong những chủ gian hàng tại hội chợ “mạnh dạn” cam kết về chất lượng hàng hóa (vải không bị chảy, xệ qua nhiều lần giặt) và vui lòng cho khách hàng đổi, trả lại nếu thấy không vừa ý.
Có thể nói, với sự đa dạng về chủng loại hàng hóa và mục tiêu hướng tới của cả ban tổ chức và bản thân DN tham gia, hội chợ lần này sẽ là cơ hội để mở rộng kênh phân phối các sản phẩm Việt, giúp NTD địa phương và các tỉnh lân cận có cái nhìn đầy đủ và thêm nhiều lựa chọn cho hàng Việt.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc