Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT: Giải bài toán khó cho QL14

08:01, 28/11/2012

Quốc lộ (QL) 14 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Dak Lak và các tỉnh Tây Nguyên là cầu nối giao thương với miền Trung, TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Những năm qua, nhiều dự án nâng cấp, mở rộng con đường huyết mạch này đã và đang được triển khai nhưng gặp không ít khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ thi công.

Quốc lộ 14 dài 660 km (qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Bình Phước), là một phần của đường Hồ Chí Minh và là quốc lộ dài thứ 2 của Việt Nam, sau quốc lộ 1A. Hiện trên toàn tuyến QL 14 qua Tây Nguyên có 3 nhóm dự án đang được triển khai: các đoạn trên đường Hồ Chí Minh đầu tư bằng nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến 2015 gồm 12 dự án, dài 123km, tổng mức đầu tư 4.916 tỷ đồng, trong đó đã bố trí được 4.648 tỷ đồng. Các dự án còn lại qua khu vực Tây Nguyên sẽ triển khai từ 2013 đến 2016 bằng nguồn trái phiếu Chính phủ gồm 3 đoạn: Tân Cảnh - Kon Tum dài 23,7 km, vốn đầu tư 860 tỷ đồng, Cầu 110 - Buôn Ma Thuột  dài 96 km, vốn đầu tư 3.606 tỷ đồng và Buôn Ma Thuột - Cầu 20 dài 83 km, vốn đầu tư trên 3.700 tỷ đồng. Hiện nay, các đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh đang triển khai đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng – Khai thác - Chuyển giao), dài khoảng 218km, tổng mức đầu tư khoảng 4.258 tỷ đồng, gồm 5 dự án, trong đó 4 dự án đang triển khai thi công và 1 dự án đang thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư. Đây là những dự án đặc biệt quan trọng, nhưng tiến độ triển khai rất chậm do khó khăn về vốn và công tác giải phóng mặt bằng.

QL14 đoạn qua huyện Dak R’lấp, tỉnh Dak Nông thi công dang dở.   Ảnh: B.D
QL14 đoạn qua huyện Dak R’lấp, tỉnh Dak Nông thi công dang dở. Ảnh: B.D

Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có dự án đi qua đã thực hiện những giải pháp quyết liệt với mục tiêu sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2015, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án theo hình thức BOT để huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư cho các dự án. Bộ đã chỉ đạo 4 dự án BOT khởi công từ 2009 do các tỉnh Gia Lai, Dak Nông, Bình Phước ký với các nhà đầu tư cần phải được tổ chức triển khai nhanh chóng để hoàn thành đúng hợp đồng vào năm 2013. Bên cạnh đó, rà soát lại các dự án trên tuyến, dự án nào dùng vốn ngân sách có thể chuyển được sang BOT thì chuyển ngay; đồng thời rà soát lại quy mô, thiết kế của các dự án trên tuyến QL 14 để giảm tối đa chi phí, tổng mức đầu tư. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa thêm 3 dự án ở các tỉnh Dak Lak và Gia Lai vào danh mục các dự án đầu tư bằng BOT. Cụ thể, Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn từ thành phố Pleiku (Km542+000) đến Cầu 110 (Km607+850) có tổng kinh phí  1.171 tỷ đồng, dài gần 66 km, quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11m; Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn cầu 110 (Km607+850) đến Buôn Ma Thuột (Km704+000), kinh phí 3.605 tỷ đồng, dài 96km, quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe, nền đường 12m, mặt đường 11m; Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn Buôn Ma Thuột (Km733+000) đến Cầu 20 (Km817), kinh phí 3.700 tỷ đồng, dài 84km, quy mô đường cấp III đồng bằng 2 làn xe, nền đường 12m, mặt đường 11m.

Có thể nói, hầu hết các dự án trên QL 14 đều có số vốn rất lớn, thời gian thực hiện lại ngắn, khối lượng công việc lớn, giải phóng mặt bằng qua nhiều địa phương nên việc thực hiện các dự án trong bối cảnh hiện nay là hết sức khó khăn. Vì vậy, việc thu hút các tập đoàn doanh nghiệp thực hiện các dự án BOT có thể giải bài toán về tiến độ nâng cấp QL 14 đúng kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng các tỉnh Tây Nguyên.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.