Tiếp sức cho nông dân
Với mục đích hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã thực sự trở thành "bà đỡ” tiếp sức cho nhiều hộ nông dân vươn lên.
Hỗ trợ phát triển kinh tế theo nhóm hộ
Gia đình anh Nguyễn Viết Quý ở tổ dân phố 1 (thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) có 1,6 ha cà phê kinh doanh nhưng phần lớn cây trồng đã già cỗi, năng suất thấp. Ấp ủ ý định cải tạo lại vườn cây từ lâu nhưng vì thiếu vốn nên gia đình anh vẫn chưa thực hiện được. Đầu năm 2012, thông qua Hội Nông dân thị trấn, gia đình anh cùng 18 hộ có rẫy cà phê liền kề thống nhất tham gia dự án trồng mới - tái canh cà phê với diện tích hơn 18 ha và được vay 460 triệu đồng từ Quỹ HTND để thực hiện. Từ số tiền vay 25 triệu đồng, anh Quý đầu tư mua cây giống của Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để cải tạo trước 2 sào cà phê già cỗi. Anh Quý cho biết, việc cải tạo cần tiến hành theo phương thức “gối đầu” để tận dụng nguồn thu của diện tích cũ nuôi dưỡng số cà phê trồng mới, giảm bớt áp lực về vốn cho người sản xuất. Anh dự tính, với diện tích còn lại vụ cà phê năm nay gia đình thu được trên 2 tấn nhân, sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo 3 sào cà phê trong năm 2013. Cứ như vậy, chỉ trong vòng vài năm nữa toàn bộ diện tích cà phê của gia đình được cải tạo. Điều đáng nói, không chỉ vay vốn, các hộ trong nhóm còn gặp gỡ, sinh hoạt theo định kỳ nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ngày công giúp nhau phát triển sản xuất.
Từ nguồn vốn được vay, gia đình chị Trần Thị Nga phát triển chăn nuôi theo quy mô khép kín. |
Gắn bó với nghề nuôi heo hơn chục năm nay, nhưng quy mô chuồng trại của gia đình chị Trần Thị Nga ở thôn 10 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, theo kiểu chăn nuôi truyền thống. Với mong muốn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, năm 2012 chị Nga cùng 19 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã Hòa Phú tự nguyện viết đơn xin vay vốn từ Quỹ HTND. Dự án phát triển chăn nuôi heo hộ gia đình gồm 20 thành viên trong nhóm được duyệt vay số tiền 500 triệu đồng (mỗi hộ 25 triệu đồng). Từ nguồn vốn đó, chị Nga đầu tư xây dựng thêm chuồng trại có máng ăn, uống tự động, chăn nuôi 50 con heo thịt và heo nái theo mô hình khép kín; đồng thời, tận dụng nguồn bắp, lúa làm thức ăn cho heo để giảm chi phí đầu tư. Nhờ vậy đàn heo phát triển tốt nếu giá cả ổn định sẽ thu lãi hơn chục triệu đồng/lứa.
Cần sự “tiếp sức” dài hơi
Đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã huy động được trên 5,8 tỷ đồng Quỹ HTND, cho gần 10.000 lượt hộ thay phiên nhau vay với doanh số đạt trên 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác trên 5,7 tỷ đồng Quỹ HTND, đã giải ngân cho 264 hộ ở các huyện Krông Buk, Cư Kuin, Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Hồ, Krông Ana, Lak, M’Drak, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột vay triển khai thực hiện 17 dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Thời hạn cho vay từ 18 - 36 tháng với mức phí hiện nay là 0,8%/tháng. Dự án có mức vay cao nhất 600 triệu đồng, thấp nhất 150 triệu đồng. Để thực hiện có hiệu quả việc vận động tạo nguồn vốn cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất, ngay từ đầu năm, Ban điều hành Quỹ HTND (Hội Nông dân tỉnh) đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành hội xây dựng các dự án vay vốn dựa trên thế mạnh phát triển kinh tế của từng địa phương. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra các dự án và có kế hoạch giải ngân kịp thời nguồn vốn đến từng nhóm hộ, hội viên. Thông qua nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, nhiều gia đình biết cách tính toán làm ăn, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất theo quy trình khép kín, đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân thông qua các dự án, tổ liên kết sản xuất đã góp phần tác động tích cực đến việc xây dựng, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ về vốn, các cấp hội tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, dịch vụ vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo. Qua đó, vai trò, uy tín của Hội ngày càng được củng cố, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút nhiều nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị quá nhỏ (trong tổng số 5,8 tỷ đồng Quỹ HTND các cấp thì nguồn vốn của cấp tỉnh chỉ có trên 84 triệu đồng, số còn lại của cấp huyện và cơ sở). Việc vận động xây dựng quỹ trong hội viên, nông dân, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mà nhu cầu vay vốn của hội viên ngày càng nhiều. Không những vậy, việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do giá vật tư cao, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi giá đầu ra của sản phẩm thấp. Vì vậy, thành viên trong các nhóm mong muốn được “tiếp sức” dài hơi hơn bằng cách tăng định mức vốn vay và gia hạn thời gian hoàn trả vốn để có thêm điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đa cây, đa con, phòng tránh rủi ro.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc