Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng mô hình nuôi thỏ ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột)

09:09, 20/11/2012

Nằm ven TP. Buôn Ma Thuột, xã Ea Tu có nhiều lợi thế khi phát triển nghề chăn nuôi; trong đó, nuôi thỏ khép kín đang được xem là mô hình vừa có triển vọng về kinh tế, vừa phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp đô thị.

Đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao

Bắt đầu chăn nuôi thỏ từ năm 2009 với hai cặp thỏ giống, đến nay gia đình ông Ngô Văn Ngọc ở buôn Kô Tam đã có đàn thỏ mẹ 30 con. Từ đàn thỏ này, gia đình ông xuất ra hàng trăm con thỏ giống đạt chất lượng, thu về gần 50 triệu đồng/năm. Ông Ngọc cho biết: Thỏ là loại động vật ăn cỏ, thức ăn chủ yếu là rau, cỏ trong vườn, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Thỏ giống sau 6 tháng nuôi đã có thể sinh sản bình quân 2 tháng/lứa, mỗi lứa 8-10 con. Khi thỏ sinh, phải đỡ đẻ cho thỏ và tách thỏ con ra ủ ấm trong khay riêng bằng giẻ vụn. Nếu thỏ sinh nhiều hơn 8 con thì phải chia đôi số thỏ để cho thỏ con bú hai lần, sáng thỏ này thì tối đến lượt những con khác. Sau 3 tuần tuổi là có thể xuất bán thỏ giống với giá bình quân 130.000 đồng/cặp. Những thời điểm bán không hết thì nuôi thỏ thịt, cứ 3 tháng là xuất 1 lứa, bình quân 3 – 4 kg/con, bán với giá 70.000 đồng/kg; trừ đi chi phí lãi ròng trên 150.000 đồng/con.

Ông  Ngô  Văn Ngọc đang  cho  thỏ ăn.
Ông Ngô Văn Ngọc đang cho thỏ ăn.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Viết Đua cũng có đàn thỏ mẹ 20 con. Mặc dù đã tham gia vào Hội Người cao tuổi của xã nhưng với việc nuôi thỏ, thu nhập hằng tháng của ông cũng hơn nhiều thanh niên trong xã. Mỗi ngày ông chỉ cần bỏ ra vài tiếng cho ăn, vệ sinh chuồng trại, mỗi tháng có thể thu về gần 3 triệu đồng. Ông Đua cho biết, nuôi thỏ là “nuôi tận dụng”, bởi chuồng trại là chuồng nuôi gà cũ, khay đựng thức ăn là chén bát vỡ, chổi cọ chuồng là dép nhựa lượm từ rẫy cà phê về tái chế, thức ăn của thỏ là rau cỏ trong vườn… và thời gian chăm sóc cũng là tận dụng thời gian rảnh. So với nuôi các loại vật nuôi khác thì nuôi thỏ ít dịch bệnh hơn, chỉ cần phòng 3 bệnh thường xảy ra là bệnh chướng hơi đầy bụng, nấm ghẻ tay chân và dịch xuất huyết não theo liều lượng khuyến cáo của Trạm Thú y xã là có thể yên tâm sản xuất. Nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh và phòng bệnh cho thỏ mà đàn thỏ của gia đình ông Đua luôn khỏe mạnh, tránh được dịch xuất huyết não xảy ra trên diện rộng toàn tỉnh vào năm 2009.

Hướng đến sản xuất hàng hóa

Xã Ea Tu hiện có trên 3.300 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 50% dân số. Những năm gần đây, cây cà phê già cỗi nên năng suất thấp, nhiều hộ dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác nhưng không có chi phí đầu tư nên hiệu quả khá bấp bênh. Và đến năm 2009, bài toán thoát nghèo đã được giải với Đề án “Chăn nuôi thỏ gia đình theo mô hình làng nghề”. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột triển khai cho trên 100 hộ dân tại buôn Prông B, xã Ea Tu nuôi thí điểm giống thỏ. Người dân ở đây rất phấn khởi bởi từ mức hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình được 5 thỏ mẹ và 1 thỏ bố trị giá chưa đến 500.000 đồng mà nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo. Già Y Wih Êban, Trưởng buôn Prông B chia sẻ: “Người dân trong buôn lâu nay chỉ biết dệt thổ cẩm, trồng cà phê, hiệu quả sản xuất không cao nên cuộc sống nghèo mãi. Được Nhà nước hỗ trợ thỏ giống để nuôi, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà có của ăn của để. Ngày ngày người lớn đi làm, trẻ nhỏ ở nhà chăn thỏ vậy mà mỗi tháng thu về gần 3 triệu đồng, bằng 6 tấm thổ cẩm loại đẹp…”.

Gia đình ông Y Mai Niê là một trong những hộ điển hình thành công trong chăn nuôi thỏ và được hưởng lợi từ chương trình này. Từ đàn thỏ ban đầu 6 con, đến nay đã phát triển lên 25 con. Ông chia sẻ kinh nghiệm: Thỏ là vật nuôi dễ tính, thức ăn chủ yếu là cỏ nên thay vì mua thức ăn, mỗi ngày lên rẫy ông lại tranh thủ cắt cỏ, hái lá rừng tối về cho thỏ ăn. Nhờ có đàn thỏ mà gia đình có thu nhập quanh năm, cuộc sống theo đó ổn định hơn.

Ông Trần Kế Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết: Với đặc tính ít dịch bệnh, chi phí đầu tư ban đầu thấp, sinh sản nhanh, có hiệu quả kinh tế cao nên thỏ đang được chọn là vật nuôi thoát nghèo tại địa phương. Hiện tại, toàn xã có 200 hộ chăn nuôi thỏ, trung bình mỗi hộ có 20 con. Trong thời gian tới, TP. Buôn Ma Thuột sẽ hỗ trợ 1.500 con thỏ giống cho bà con nông dân. Đồng thời, xã cũng đang tiến hành tổ chức các lớp tham quan, tập huấn để bà con nông dân có thể nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi áp dụng tại gia đình. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã có chủ trương phát triển chăn nuôi thỏ theo hướng sản xuất hàng hóa. Cụ thể là xây dựng lò mổ tập trung theo mô hình hợp tác xã để xuất thỏ thành phẩm có bao bì, nhãn mác ra thị trường theo yêu cầu của khách hàng. Từ đó, xây dựng thương hiệu thỏ Ea Tu, tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc