Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII: “Nóng” vấn đề quản lý và bảo vệ rừng

10:37, 28/12/2012

Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Dak Lak khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã kết thúc thành công, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được các cơ quan, ban, ngành giải trình rõ ràng, cụ thể và trung thực. Trong đó vấn đề quản lý và bảo vệ rừng được xem là “tâm điểm” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào sáng 12-12.

Trong nội dung chất vấn của đại biểu Y Bion Niê (huyện Krông Năng) về việc Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn (BQLRPHĐN) huyện  Krông Năng buông lỏng, bất lực và yếu kém trong quản lý, bảo vệ rừng thời gian dài dẫn đến rừng, đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm với số lượng lớn, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: về nguyên nhân chủ quan là do sự yếu kém và buông lỏng quản lý của lãnh đạo BQLRPHĐN Krông Năng, nguyên nhân khách quan là trong một thời gian dài số lượng dân di cư tự do tới địa bàn huyện rất lớn, gây nên nhiều khó khăn đối với BQLRPHĐN huyện và chính quyền địa phương trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Sở NN-PTNT đã tiến hành kiểm điểm cách chức giám đốc, đồng thời bổ nhiệm giám đốc mới cho BQLRPHĐN Krông Năng. Trong khi đó, đại biểu Trần Tuấn Anh (huyện Krông Năng) đã đặt câu hỏi với ngành chức năng về việc khi nào thì các hộ, nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Krông Năng được nhận rừng, đất lâm nghiệp để tham gia quản lý, bảo vệ và ổn định cuộc sống theo Thông báo kết luận số 12-TB/TU ngày 6-5-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Thành cho biết: thời gian qua BQLRPHĐN Krông Năng đã tiến hành khoán quản lý bảo vệ rừng theo định mức 200.000 đồng/ha cho 127 hộ đồng bào DTTS nhằm tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Sở NN-PTNN cũng đã chỉ đạo BQLRPHĐN Krông Năng tiến hành rà soát diện tích đất trống đồi núi trọc và đất bị lấn chiếm từ năm 2008 đến nay, lập phương án giao khoán cho các hộ trồng rừng. Đối với việc khoán quản lý bảo vệ rừng từ 5-10 ha cho hộ và nhóm hộ đồng bào hiện chưa bố trí kế hoạch vốn nên chưa triển khai được. Sở sẽ chỉ đạo BQLRPHĐN Krông Năng rà soát diện tích rừng để lập phương án quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số các hộ dân sống gần rừng theo quy định trong năm 2013.

Thời gian qua, tình trạng vi phạm tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. (Trong ảnh: xe chở gỗ lậu trong rừng ra địa bàn xã Ia R'vê, huyện Ea Súp).
Thời gian qua, tình trạng vi phạm tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. (Trong ảnh: xe chở gỗ lậu trong rừng ra địa bàn xã Ia R'vê, huyện Ea Súp).

Liên quan đến vấn đề biên chế lực lượng kiểm lâm và biện pháp khắc phục tình trạng phá rừng cũng như thực hiện việc quản lý bảo vệ rừng, ông Thành nêu rõ: hiện nay biên chế của lực lượng kiểm lâm tỉnh khoảng 380 người, trong năm 2011 đã bổ sung 20 người. Như vậy, so với định biên 1.000 ha rừng/1 kiểm lâm thì còn thiếu khoảng 100 người. Tuy nhiên việc tăng cường lực lượng kiểm lâm chỉ là một trong các giải pháp trong số các giải pháp để bảo vệ rừng. Để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng cần phải có giải pháp tổng hợp, trong đó cốt lõi là phải nâng cao đời sống kinh tế của người dân, nhất là người dân sống gần rừng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp để người dân hạn chế dựa vào rừng và đất rừng; ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng lấn chiếm đất nông nghiệp; ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác, mua bán lâm sản trái phép; kiểm tra, xử lý các xưởng chế biến lâm sản, các cơ sở mộc vi phạm quy định của Nhà nước; giải quyết vấn đề dân di cư tự do; xử lý nghiêm các tình huống chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức rà soát, đánh giá công tác bảo vệ rừng của các dự án  chuyển đổi rừng; dự án có quản lý rừng tự nhiên để kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý vi phạm hoặc đình chỉ dự án, thu hồi đất các dự án vi phạm pháp luật; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng; phát động công tác tuyên truyền vận động trong từng cơ quan, đơn vị và toàn dân tham gia bảo vệ rừng, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và tích cực thực hiện các chính sách xã hội hóa về bảo vệ, phát triển rừng; khen thưởng, động viên những điển hình tốt trong công tác bảo vệ rừng, tham gia phát triển nghề rừng…

Hy vọng rằng, với những giải pháp được đặt ra và những hứa hẹn quyết tâm thực hiện trách nhiệm trước cử tri của đại biểu HĐND khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, vấn đề quản lý và bảo vệ rừng không còn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận, đồng thời xây dựng được lòng tin giữa cử tri với đại biểu HĐND.

Theo thống kê của các ngành chức năng, tính đến hết tháng 11-2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.822 vụ vi phạm tài nguyên rừng, trong đó 182 ha rừng bị phá trái phép, tịch thu trên 3.236m3 gỗ và 482kg động vật rừng. Trong vòng 4 năm, từ năm 2008 đến tháng 10-2012, toàn tỉnh có 9.594 ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm, tính bình quân mỗi năm có gần 1.920 ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm. 

Hoàng Tuyết (ghi)


Ý kiến bạn đọc