Multimedia Đọc Báo in

Thao thức với mùa hoa

14:09, 29/12/2012

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, người trồng hoa đang tất bật cho một vụ mùa mới trong khấp khởi mong chờ: thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng độ, việc tiêu thụ xuôi chèo mát mái...

Gia đình anh Tạ Văn Thương đang tập trung lo vụ hoa Tết.
Gia đình anh Tạ Văn Thương đang tập trung lo vụ hoa Tết.

Ngay từ giữa năm 2012, anh Tạ Văn Thưởng ở tổ dân phố 6, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột đã tính toán và ưu tiên đầu tư dành hơn nửa diện tích trồng hoa của gia đình để phục vụ mùa hoa Tết. 1,5 ha chủ yếu là cúc pha lê, hoa hồng được anh sớm hôm dày công chăm sóc. Gần 10 năm gắn bó với nghề này, anh cũng có được một kho kinh nghiệm nho nhỏ và phần nào hiểu được đặc tính của một số loại hoa. Đơn cử như với hoa cúc, anh cho biết: Mỗi chậu lớn trồng khoảng 100 cây con, chậu nhỏ 35 cây con, trồng những nơi khô ráo, tránh bị ngập nước, khoảng cách giữa các chậu từ 35-40cm. Cây sinh trưởng phát triển thích hợp nhất là đất pha trộn với tro trấu, phân chuồng. Nói thì đơn giản vậy nhưng nghe anh Thưởng kể, trồng hoa cũng chẳng khác gì nuôi con mọn: từ việc ươm cây, vun tưới, bón phân, cắm cọc lên chậu đến nghe ngóng thời tiết để có biện pháp che chắn, phòng bệnh. Thời gian trước, hoa cúc bị bệnh nấm, anh mất ăn mất ngủ. Một ngày mới bắt đầu với anh từ 3-4 giờ sáng, ra vườn tìm cách chữa trị, không cho bệnh lây lan. Còn chăm hoa hồng, anh ví như chăm heo nái. Không cho hoa nghỉ ngơi, đêm đến anh thắp điện sáng khắp vườn nhằm mục đích điều chỉnh, tính toán cho hoa nở rộ đúng dịp Tết. Gia đình anh thường xuyên có 10 nhân công ăn ở, làm việc tại chỗ để chăm vụ hoa Tết.

Những ngày Tết là dịp cao điểm làm ăn nhất trong năm của các nhà vườn, càng gần đến Tết thì việc quan sát, chăm sóc hoa càng tỷ mẩn, cẩn thận hơn bao giờ hết. Trồng hoa tươi, nhất là để đón đầu mùa Tết cũng chẳng khác gì “đánh bạc với trời”. Mai vàng là sứ giả của mùa xuân phương nam. Mai được nhắc đến đầu tiên trong bộ tứ quý: Mai – lan – cúc - trúc. Hoa mai là lựa chọn của nhiều gia đình khi Tết đến, xuân về với ước muốn may mắn, thịnh vượng, sung túc. Chọn mua mai, người ta không chỉ quan tâm đến gốc, dáng, cành mà quan trọng nữa là mai có trổ bông vào đúng dịp Tết. Điều này, người chơi mai mong một, người trồng mai mong mười vì cây có dáng, thế đẹp bao nhiêu mà không nở đúng thời điểm thì coi như cũng mất giá. Mai là loài hoa nhạy cảm với thời tiết nên chăm mai không đơn thuần chỉ chuyện bỏ công bỏ sức mà còn cả “trông trời, trông nắng, trông mưa”. Một khi mai đã xé nụ và nở thì không có cách nào để hãm lại. Cũng bởi những đặc tính này mà nhiều năm người trồng mai thu nhập bấp bênh.

Trồng, chăm sóc, tính toán cho hoa nở đúng thời điểm đã là việc khó. Còn việc bảo quản khi vận chuyển đưa hoa ra thị trường tiêu thụ cũng là cả vấn đề. Đó là chuyện chi phí, nhiều loại hoa Tết thường đóng chậu nên mỗi chuyến chuyên chở rất cồng kềnh, chẳng được bao nhiêu. Với những nhà vườn ngoại tỉnh thì đây quả là công đoạn phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ. Hoa ra đến chợ, nhà vườn, thương lái phải cắt cử người trông nom, bảo vệ, thức đêm thức hôm suốt trong những ngày chợ hoa Tết. Chính vì là lúc cao điểm nên rất nhiều lao động thường ở lại ăn Tết với các chủ vườn, việc tạm nghỉ ngơi hay về quê của họ chỉ diễn ra sau 3 ngày Tết, thậm chí cả tháng sau đó. Mệt thì mệt là vậy nhưng lo nhất là chuyện bỏ công ra nhiều tháng ròng mà việc bán hoa ế ẩm. Tết năm 2012, trong giới kinh doanh hoa, không mấy người không biết đến  chuyện của ông Nguyễn Xuân Hùng ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột: 3.000 chậu cúc pha lê dày công chăm sóc hàng mấy tháng trời, ông Hùng chỉ bán được 1.000 chậu, còn 2.000 chậu, cuối cùng đành nhổ bỏ để lấy chậu đem về. Sau vụ hoa không mấy thành công, chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay, ông thu gọn lại chỉ làm 1.000 chậu. Nói là gọn nhưng kể ra cũng chẳng nhỏ khi mọi công việc chăm sóc chỉ một mình người đàn ông đã ở cái tuổi 70 này đảm nhiệm. Con cái thì đứa nào cũng có công việc riêng, việc thuê mướn người cũng không dễ. Có lẽ cũng là duyên nợ nên ông chưa thể giã biệt cái nghề trồng hoa tươi cũng lắm gian truân. Tâm lý từ trước đến nay, càng gần đến giao thừa, nhà vườn thường chấp nhận hạ giá, tranh thủ bán để thu hồi vốn, còn hơn nhổ bỏ. Nhưng nhiều người bảo ông “ngông” vì dù việc bán hoa có ế ẩm, ông cũng không hạ giá. Theo quan niệm của ông, chơi hoa là nét văn hóa đẹp. Cả năm mới chơi hoa, rước lộc về nhà, mua hoa phải thực sự trân trọng, tránh tâm lý đợi đến những giờ phút “chót” mới mua vì... rẻ thì còn gì là chơi nữa; hơn nữa cũng phải tạo thói quen và một cách nhìn khác cho người tiêu dùng.

Thế mới biết, hoa thì đẹp nhưng nghề trồng hoa cũng lắm vất vả, người trồng hoa cũng lắm âu lo. Trân trọng biết bao những mùa xuân được dệt nên từ những nhọc nhằn, cơ cực ấy!

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc