Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2012-2013: Nông dân đối mặt với nguy cơ thiếu nước sản xuất

15:43, 14/12/2012

Vụ đông xuân năm nay được dự báo là rất khó khăn về nước tưới phục vụ cho sản xuất lúa, bởi đến thời điểm này mùa mưa đã kết thúc nhưng lượng nước tích được ở các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phần lớn chỉ đạt 40% - 80% mực nước dâng bình thường. Hiện tại, các địa phương đã bắt đầu xuống giống vụ sản xuất mới, nhưng nông dân không mấy yên tâm khi đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngay từ đầu vụ.

Chưa xuống giống đã lo hạn

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2012-2013 toàn tỉnh sẽ gieo trồng 41.135 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 29.750 ha, ngô 3.425 ha, cây có củ 1.320 ha, đậu đỗ các loại 1.150 ha…Theo lịch thời vụ của sở NN-PTNT, trà lúa sớm sẽ gieo sạ từ 25-11 đến 10-12-2012; trà chính vụ gieo sạ từ 10-12 đến 25-12-2012; trà muộn gieo sạ từ 30-12-2012 đến 10-1-2013. Đến thời điểm này, nông dân ở nhiều địa phương đã bắt đầu làm đất để gieo sạ vụ đông xuân 2012-2013. Nhiều bà con đang làm đất trên cánh đồng thuộc xã Hòa An huyện Krông Pak cho biết: năm nay sản xuất vụ đông xuân sẽ gặp nhiều khó khăn vì sự thay đổi bất thường của thời tiết. Vào mọi năm giờ này nước đã tràn các hồ chứa, nhưng năm nay mực nước ở các hồ rất thấp, nguy cơ bị hạn sẽ khó tránh khỏi. Anh Nguyễn Phước Lộc, thôn 3, xã Hòa An nói: mọi năm mưa nhiều nước ngập ruộng nên cỏ dại ít, năm nay các thửa ruộng đều rất khô nên việc làm đất cũng vất vả hơn, nếu không có những cơn mưa muộn thì bà con nông dân dễ trắng tay vì hạn. Tại huyện Ea Kar, tình hình nước tưới phục vụ cho sản xuất đông xuân cũng không mấy khả quan. Theo phòng NN-PTNT của huyện: lượng mưa trung bình trên địa bàn huyện đạt thấp, gần 1.280 mm (mọi năm đạt 1.600 – 1.700mm), vì vậy trong 51 hồ chứa nước trên địa bàn huyện thì chỉ có 23 hồ có lượng nước đạt 90-100% dung tích thiết kế, 28 hồ có lượng tích nước đạt dưới 80% (trong đó có 4 hồ mức nước đạt dưới 50% dung tích thiết kế), đó là chưa bàn đến hiện trạng chất lượng công trình thủy lợi đang xuống cấp cần phải sửa chữa, nạo vét, tu bổ ngay mới bảo đảm được việc phục vụ nước tưới cho sản xuất. Theo đó, diện tích vụ đông xuân này sẽ bị cắt giảm nhiều để bảo đảm kế hoạch sản xuất, nhất là diện tích lúa nước, cụ thể: diện tích lúa phụ thuộc vào các công trình thủy lợi sẽ giảm 613ha/3.483 ha; diện tích lúa ngoài công trình thủy lợi sẽ cắt giảm 1.047 ha/1.517 ha.

Nông dân xã Hòa An, huyện Krông Pak làm đất  cho gieo trồng vụ mới.
Nông dân xã Hòa An, huyện Krông Pak làm đất  gieo trồng vụ mới.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Dak Lak: vụ đông xuân 2012 – 2013 khả năng bị thiếu nước là khó tránh khỏi vì mùa mưa kết thúc sớm hơn so với qui luật trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa trung bình năm 2012 thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, dẫn đến tình trạng các hồ chứa thủy lợi mực nước chưa đạt đến cao trình mực nước dâng bình thường. Mực nước mặt trên các hệ thống sông suối trong tỉnh đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, điển hình là các hồ chứa trên địa bàn huyện Krông Pak chỉ mới tích nước được khoảng 35-50% dung tích hồ chứa. Một số hồ chứa có dung tích lớn do Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Dak Lak quản lý hiện mới tích nước đạt 50-60% dung tích thiết kế…

Siết chặt kế hoạch sản xuất

Trước những khó khăn đó, Sở NN-PTNT đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, rà soát tình hình nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước tưới cụ thể của từng địa phương để lập kế hoạch tưới trong vụ đông xuân, đồng thời yêu cầu các huyện từ nay đến cuối năm phải thực hiện các biện pháp để tăng tối đa khả năng trữ nước tại các hồ chứa nhằm đảm bảo lượng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, thực hành tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ, tận dụng lượng nước mặt hiện có để triển khai làm đất, gieo sạ vụ đông xuân. Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi cần phối hợp chặt với các địa phương tiếp tục tích nước và sớm xây dựng kế hoạch tưới hợp lý để bảo đảm đủ nước sản xuất vụ đông xuân. Để đạt mục tiêu sản xuất theo hướng an toàn và đạt hiệu quả kinh tế trên cơ sở bố trí cây trồng và sử dụng giống thích hợp với thực tế nguồn nước, đất đai nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất thuận, sở NN-PTNT cũng chỉ đạo các huyện chỉ xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ đông xuân ở những chân đất có đủ điều kiện như: có công trình thủy lợi, có nguồn nước bảo đảm và sử dụng các giống lúa thích hợp (ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa lai như: TH3-3, TH3-5, Syn 6, Nông ưu 28, B-TE1); kiên quyết không để nông dân gieo sạ ở những chân ruộng không đủ nguồn nước, những vùng thường bị mất trắng, chuyển sang gieo trồng cây ngắn ngày như rau và các loại cây hoa màu khác. Tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vào thời điểm hiện tại, các địa phương tập đang trung tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng và hướng dẫn nông dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm để hạn chế tình trạng thiếu nước tưới vào cuối vụ, đồng thời triển khai kế hoạch gieo sạ theo đúng lịch thời vụ; khuyến khích nông dân tập trung gieo sạ đồng loạt để tiết kiệm nước, hạn chế sự phá hại của chuột và thuận lợi trong việc tổ chức phòng trừ dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cho cây lúa. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết: lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân trên địa bàn huyện sẽ sớm hơn so với các năm từ 5 đên 10 ngày nhằm tránh hạn cuối vụ; đồng thời huyện cương quyết cắt giảm số diện tích không bảo đảm nguồn nước để chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn khác và chỉ đạo các xã tổ chức sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ, kế hoạch đã được giao.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.