Xã hội hóa du lịch: Gắn với lợi ích cộng đồng
Với nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, Dak Lak có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa-sinh thái. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có chủ trương xã hội hóa du lịch gắn với lợi ích cộng đồng, chú trọng thúc đẩy sự tham gia của cư dân địa phương nhằm phát huy và bảo tồn vốn văn hóa độc đáo của các tộc người bản địa, cũng như các di tích lịch sử cùng nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Đưa du khách tham quan Hồ Lak bằng voi đã đem lại khoản thu nhập cho các chủ voi. Ảnh: Phương Đình |
Tại khu du lịch Hồ Lak của Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak, hơn mười năm qua đơn vị đã liên kết và phối hợp với người dân làm du lịch bằng hình thức mời họ tham gia trực tiếp vào các dịch vụ: cho thuê cưỡi voi, bơi thuyền độc mộc, cho thuê lưu trú nhà sàn, bán hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và trình diễn văn nghệ, văn hóa cồng chiêng… Những hoạt động này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Ông Ama Thái ở buôn Jun, huyện Lak cho biết: nhờ những hoạt động du lịch mở ra tại đây mà bà con có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều gia đình tham gia dịch vụ trên cùng với Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak đã thoát khỏi tình cảnh khó khăn, túng thiếu. Ama Thái dẫn chứng: đối với người lao động (chủ yếu là con em đồng bào) trong đơn vị du lịch Hồ Lak có mức lương bình quân từ 2,7-3 triệu đồng/tháng. Còn đối với những người làm dịch vụ, tiền thuê voi được bên du lịch chi trả 170 đồng/lượt/giờ. Có những mùa cao điểm, một voi phục vụ khách 5-7 lượt/ ngày. Với giá thuyền độc mộc, chủ sở hữu được chi trả 50 nghìn đồng/lượt/30 phút và diễn tấu cồng chiêng được thỏa thuận với giá 460-500 nghìn đồng/suất biểu diễn. Theo Ama Thái, số tiền tuy không lớn, nhưng nhờ thu nhập đều đặn đã giúp người dân trang trải cho cuộc sống, từng bước tích lũy tái đầu tư để tiếp tục hợp tác và chia sẻ lợi ích từ các công ty du lịch ở địa phương.
Vào tham quan, ngủ lại trong các buôn làng, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn cách chế tác các nhạc cụ dân tộc độc đáo. |
Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak cho rằng: mặc dù các dịch vụ của người dân tham gia đã góp phần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù ở đây, thu hút ngày càng nhiều du khách và tạo được công ăn, việc là, nhưng mới chỉ có số ít người có tài sản (voi, thuyền, nhà dài, cồng chiêng) được chia sẻ lợi ích này, còn những gia đình nghèo khác trong vùng vẫn chưa có điều kiện tham gia. Theo thống kê của Khu du lịch Hồ Lak: cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phục vụ du khách ở đây còn khá khiêm tốn, tính cả buôn Jun, buôn Lê chỉ có ba nhà dài. Số voi có tại huyện Lak khoảng 22 con, trong đó voi phục vụ thường xuyên khách du lịch 13 con. Thuyền độc mộc 20 chiếc và 2 đội văn nghệ cồng chiêng của người M’nông bản địa. Số liệu này cho thấy “tài sản” của người dân có được để hợp tác, chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch còn quá ít. Vì thế không những không đáp ứng được nhu cầu của du khách, mà xét về mặt tính chất, đặc thù của sản phẩm du lịch tại Hồ Lak còn có phần đơn điệu và trùng lặp.
Để mở rộng hoạt động dịch vụ du lịch ở địa phương, đồng thời kích thích, tạo điều kiện cho người dân tham gia và chia sẻ lợi ích từ ngành kinh tế này, trong những năm qua Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak đã xây dựng, hướng đến sản phẩm du lịch đậm chất cộng đồng thông qua các tour Hom stay nhằm gắn kết hơn với người dân trong vùng. Có thể nói sản phẩm du lịch này là hướng đi phù hợp và sát thực, vừa để tạo ra sự phong phú cho bức tranh du lịch địa phương, vừa đem lại cơ hội kiếm thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Ông Yde D’Nông ở Dak Phơi đón nhận sự quan tâm trên với niềm phấn chấn rằng: từ khi các hướng dẫn viên du lịch của Hồ Lak thường xuyên đưa khách vào nhà ông tham quan, ngủ lại và cùng sinh hoạt với mọi thành viên trong cộng đồng thì đời sống kinh tế của gia đình đã có nhiều thay đổi. Bình quân một đêm lưu trú của khách tại nhà, ông Yde D’Nông được trả từ 220-250 nghìn đồng. Đó là chưa kể trong quá trình ăn ngủ tại nhà, du khách đã bỏ thêm tiền ra mua nhiều thứ đặc sản của bà con như thổ cẩm, đồ mỹ nghệ và rượu cần… cũng góp phần cải thiện đáng kể đời sống kinh tế cho người dân.
Tương tự, nhiều hộ đã và đang tham gia, cộng tác với tour du lịch cộng đồng này nhìn nhận: điều quan trọng là bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại thì vốn văn hóa của các tộc người bản địa cũng được giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước một cách chân thật, sâu sắc và sinh động hơn. Đây cũng chính là yếu tố quyết định mức độ thành công của sản phẩm du lịch Hom stay. Vốn văn hóa của cộng đồng dân tộc nào càng độc đáo, đặc sắc thì càng thu hút nhiều du khách tìm đến. Khi đó, cùng một lúc sẽ giải quyết được hai vấn đề cơ bản: tăng thu nhập cho người dân và khơi dậy, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cũng có nhiều trăn trở đặt ra trong thực tế hiện nay là việc quy hoạch, tổ chức và hướng dẫn các hoạt động du lịch cộng đồng ở đây, cũng như những điểm du lịch khác trên địa bàn Dak Lak chưa được đầu tư một cách khoa học và bài bản. Đặc biệt là phía người dân tham gia làm dịch vụ chưa được đào tạo và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của du khách. Đây cũng là điều mà nhiều người dân trong vùng có tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng mong đợi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, trong đó gần gũi và trực tiếp là các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác loại hình du lịch đặc thù này.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc