Bao giờ được du lịch với... cà phê
Muốn trải nghiệm một tuor du lịch với… cà phê, một nhóm bạn của tôi từ Huế và Đà Nẵng lên chơi Buôn Ma Thuột đề nghị được tham gia sản phẩm du lịch đặc trưng và độc đáo này. Tuy nhiên, qua liên hệ với một số công ty lữ hành ở đây để được đáp ứng, nhưng không một đơn vị nào nhận lời, vì lý do: “không thể kết nối được với những nơi cần đến”…
Tôi làm hướng dẫn viên du lịch
Không tìm được tuor chuyên nghiệp, tôi đành bất đắc dĩ làm hướng dẫn viên cho cả nhóm theo cách riêng của mình. Tất nhiên, những nơi tôi đưa khách đến là vườn cà phê của những người quen vùng ngoại ô thành phố. Cảm nhận chung của mọi người là hết sức thích thú, bởi được thả mình trong không gian yên bình, khoáng đạt của vườn rẫy cà phê xanh mướt ngút ngàn; được trò chuyện thoải mái và gần gũi với người làm cà phê: từ việc ươm trồng, chăm sóc thu hái…đến tâm tư, tình cảm của họ đối với loại cây trồng đã thành danh trên vùng đất bazan này. Ngược với cảm giác thích thú của du khách, những người nông dân làm cà phê nơi chúng tôi đến lại rất ngạc nhiên, thậm chí “tức cười” trước sở thích “không giống ai” của nhóm bạn tôi.
Giới thiệu các loại cà phê nhân và cà phê bột tại Làng Cà phê Trung Nguyên - TP. Buôn Ma Thuột. |
Anh Thảo, người làm cà phê ở Ea Tul - huyện Cư M’gar nói với cả nhóm: “Mấy chú rảnh quá đi, có gì ở đây mà vào du lịch. Đi chơi thì tìm đến chỗ đông vui, danh lam hay thắng cảnh nổi tiếng… chứ mò về miệt rẫy vườn làm gì”. Cả nhóm đều cười, không biết nói gì với anh về sản phẩm du lịch mới mẻ, đặc sắc mà các công ty du lịch nhiều nơi bỏ công xây dựng và hướng tới. Chỉ đến khi tất cả chủ, khách ngồi vào chiếu rượu được bày ra dưới những gốc cà phê ngay trong vườn, thì câu chuyện về du lịch kiểu như thế này mới khiến anh Thảo dần hiểu ra và hết lời hưởng ứng. Các bạn tôi kể: từ lâu ở Hội An - Quảng Nam, nhiều công ty du lịch đưa du khách về các làng trồng rau, quả nổi tiếng trong vùng để cùng người nông dân bản xứ tìm hiểu và chung sống nhằm gắn kết, chia sẻ lợi ích kinh tế từ ngành du lịch mang lại cho cả cộng đồng chung quanh. Với cách làm này, người nông dân như anh Thảo được nâng cao thu nhập nhờ hoạt động du lịch, và ngược lại ngành du lịch có được sản phẩm độc đáo, hấp dẫn dựa trên đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nếu anh Thảo bắt tay hợp tác với một đơn vị du lịch nào đó để thực hiện tuor trải nghiệm với cà phê như thế này thì anh sẽ được phía đối tác trích cho một khoản tiền (tương ứng với những gì anh có và đáp ứng được cho du khách tham quan). Ngoài ra, trong quá trình hợp tác ấy, anh sẽ có điều kiện và cơ hội bán được những sản phẩm mà gia đình làm ra như cà phê đã rang xay, hay gà vịt nuôi được trong vườn với giá có lợi nhất. Anh Thảo gật gù: “ Làm thế là có ích cho cả đôi bên, ai mà không thích. Có điều, các chú nói thì tui hiểu vậy thôi, chứ trước nay có ai đặt vấn đề làm du lịch như thế này đâu…”.
Bao giờ?
Đem những băn khoăn trên trao đổi, tâm sự với một số người làm du lịch trên địa bàn Dak Lak để tìm sự đồng thuận và hướng đi thích hợp, khả thi cho sản phẩm du lịch với… cà phê ở vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của cả nước này, tôi được ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Đam San, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Dak Lak chia sẻ: con đường hướng đến và xây dựng một sản phẩm du lịch độc đáo như thế đang được công ty ông theo đuổi vài ba năm nay. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là những đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cà phê chưa ngồi lại được với nhau để tìm cách thực hiện ý tưởng này.
Thực tế cho thấy: vấn đề tồn tại và cũng là trở ngại lớn nhất là chưa tìm được sự đồng thuận trong những người làm cà phê để hợp tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù kia. Chẳng hạn, khi đến tham quan, tìm hiểu một địa chỉ trồng cà phê nào đó, du khách có nhu cầu tham gia sản xuất, sinh hoạt với người chủ sở hữu thì không được đáp ứng, thậm chí bị từ chối vì nhiều lý do: hoặc là không có năng lực, kiến thức và điều kiện thực hiện, hoặc có tâm lý e ngại, không muốn hoạt động sản xuất của mình bị làm phiền và đảo lộn…Cụ thể như trường hợp anh Thảo nói trên, khi tôi đưa nhóm bạn đến vườn cà phê thăm thú, ban đầu anh cũng ngại ngùng không muốn hợp tác, chia sẻ nhu cầu trải nghiệm của du khách, dù tôi là người quen thân của anh. Phải mất cả tiếng đồng hồ giải thích và thuyết phục, anh mới đồng ý.
Vậy phải tháo gỡ và giải quyết trở ngại đó bằng cách nào? Nhiều người cho rằng: bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị làm du lịch, về mặt quản lý Nhà nước thì các các cấp, ngành nên khảo sát, đánh giá và tham mưu cho tỉnh một lộ trình cụ thể đi kèm với những giải pháp khả thi về việc xây dựng và phát huy sản phẩm du lịch này. Trong đó, điều kiện và lợi thế trước mắt cần phải được chú ý và quan tâm là hiện Dak Lak thường xuyên tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột với nhiều hoạt động phong phú, rộng khắp, trong đó vấn đề du lịch, trải nghiệm với cà phê là một trong những nội dung chính và quan trọng trong lễ hội, thế thì tại sao không tận dụng, nắm bắt cơ hội ấy để tập hợp cộng đồng làm cà phê lại để truyền đạt, tập huấn kỹ năng cho họ về việc xây dựng sản phẩm du lịch mới mẻ này; đồng thời qua đó giúp họ giới thiệu và quảng bá về tuor du lịch cà phê đến với du khách gần xa. Đây cũng là một trong những cách thức nhằm hiện thực hóa sản phẩm du lịch trên, góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch Dak Lak trong thời gian tới, mà gần nhất là dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 - năm 2013 sắp sửa diễn ra.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc