Multimedia Đọc Báo in

Dồi dào hàng Tết

08:14, 09/01/2013

Đến thời điểm này, hàng hóa trên thị trường phục vụ tết Nguyên đán Quý Tỵ đã được bày bán khá nhiều, nhu cầu mua sắm của người  dân cũng đang tăng lên từng ngày. Theo đánh giá chung, lượng hàng hóa năm nay khá dồi dào và tăng hơn so với thị trường bình thường khoảng 30-40%.

Hàng hóa phong phú

Dạo một vòng quanh các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột dễ dàng nhận thấy không khí tết đang đến rất gần khi bánh kẹo, mứt được các tiểu thương bày bán ngăn nắp, bắt mắt trên các kệ hàng. Bánh kẹo, mứt trong nước sản xuất chiếm ưu thế nhờ giá rẻ so với các mặt hàng cùng loại, chất lượng bảo đảm và mẫu mã phong phú với các thương hiệu uy tín như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà, Phạm Nguyên… tùy theo các loại hàng mà có giá cả khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Nhìn chung, giá cả các loại bánh kẹo, mứt, nước giải khát có tăng nhẹ khoảng 3.000-5.000 đồng/ sản phẩm. Chị Hương, tiểu thương bán hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay: bánh kẹo trong nước sản xuất năm nay không hề thua kém bánh kẹo ngoại, có khá nhiều mẫu mã, giá lại rẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt, thay vì dày công chăm chút bao bì như mọi năm thì năm nay các nhà sản xuất trong nước đã chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm nên được đông đảo người tiêu dùng chọn mua. Còn tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị Vinatex, Co.opMart Buôn Ma Thuột, thời điểm này hàng hóa phục vụ tết đã được trưng bày khá bắt mắt và nhiều mẫu mã, chủ yếu là hàng trong nước. Cụ thể, sản phẩm bánh kẹo của Bibica có các loại như Lucky, Hilary hộp thiếc giá 109.200 đồng/ hộp, Goodky: 174.900 đồng/ hộp, Victory: 83.900 đồng/ hộp, Giving: 110.500 đồng/ hộp; hàng của Kinh Đô, Hải Hà cũng đa dạng không kém về mẫu mã và giá cả như: Cosy có giá: 52.500 đồng/hộp giấy và 173.000 đồng/ hộp thiếc, Diamond: 107.000 đồng/ hộp thiếc, Classic: 77.500 đồng/ hộp… Riêng các loại mứt thì có các loại mứt dừa, bí đao, mãng cầu của công ty Hương Việt, Phúc Nguyên với giá bình dân, dao động từ 30.000-70.000 đồng/ hộp. Về sản phẩm nước giải khát, thời điểm này đã tăng từ 4.000 đến 6.000 đồng/ thùng (tùy loại). Hiện bia Heineken có giá 370.000 đồng/ thùng, bia 333: 210.000 đồng/ thùng, Tiger: 270.000 đồng/ thùng; các loại nước ngọt như: Dr Thanh bán ra với giá 50.400/ lốc, Pepsi: 160.000 đồng/ thùng….

Thời điểm này, hàng hóa phục vụ tết đã được bày bán bắt mắt tại các siêu thị trên địa bàn TP.
Thời điểm này, hàng hóa phục vụ tết đã được bày bán bắt mắt tại các siêu thị trên địa bàn TP.

Cùng với thị trường bánh kẹo, mứt, thị trường quần áo thời điểm này cũng vào mùa nhộn nhịp và sôi động không kém. Tại các chợ lớn như: Chợ Trung tâm, chợ tạm Buôn Ma Thuột, Tân Thành… quần áo đủ kiểu dáng, màu sắc của các hãng: Khatoco, Mai Thy, P&T…  đã được trưng bày và thu hút nhiều người đến lựa chọn, mua sắm. Cô Lan, tiểu thương bán hàng tại chợ tạm Buôn Ma Thuột cho hay: quần áo phục vụ tết hiện có đủ chủng loại, màu sắc và đủ giá cả, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/ sản phẩm. Do dịp tết thời tiết đã trở nên ấm hơn nên hàng hóa chủ yếu vẫn là quần Jean, áo sơ mi, áo thun dành cho nam, nữ đủ kiểu dáng. So với mọi năm, giá quần áo năm nay có cao hơn chút ít, song bù lại có nhiều mẫu mã, màu sắc và chất lượng nên vẫn được nhiều người chọn mua.

Cam kết giữ giá

Theo thông lệ, cứ tết đến là các loại bánh kẹo, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sắm tết lại tăng lên theo khi sức mua tăng, nhất là vào những ngày cận tết. Tuy nhiên, một tín hiệu vui làm yên lòng người tiêu dùng là năm nay một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã sớm lên kế hoạch chủ động nguồn hàng tết và hạn chế tối đa mức tăng giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Nguồn hàng dự trữ đã được các đơn vị có kế hoạch tăng cường từ rất sớm. Đại diện Co.opMart Buôn Ma Thuột cho hay: lượng dự trữ hàng hóa Tết năm nay tăng hơn 30% so với mọi năm, trong đó ưu tiên các mặt hàng thuộc các nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình như: gạo, dầu ăn, bánh kẹo, mứt, thực phẩm đông lạnh… Đơn vị cũng đã ký kết và lựa chọn phần lớn các sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín trong nước, bảo đảm chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Về giá cả, đơn vị cũng cam kết chỉ bằng hoặc thấp hơn thị trường khoảng 5% và bảo đảm không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, siêu thị sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại các huyện trong tỉnh theo đúng giá niêm yết tại siêu thị với hơn 200 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Bên cạnh việc nỗ lực giữ giá bán, nhiều siêu thị cũng chủ động tìm nguồn hàng cung ứng tại chỗ từ địa phương để giảm chi phí vận chuyển, tiền thuê nhân công. Từ trước tết 3 tháng, Vinatex Buôn Ma Thuột đã đặt hàng với các nông trại, nông dân tại các địa phương trong tỉnh như: Krông Pak, Cư Kuin và các xã lân cận TP. Buôn Ma Thuột cam kết bảo đảm chất lượng và số lượng các mặt hàng rau xanh, củ, quả, thịt heo, gà… để cung cấp cho siêu thị.

Cùng với việc chủ động, tăng cường nguồn hàng của các doanh nghiệp phân phối, Chi cục Quản lý thị trường Dak Lak cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để bình ổn hàng hóa dịp tết năm nay. Đoàn liên ngành của tỉnh và các đội trực thuộc chi cục đã tập trung các biện pháp nghiệp vụ để chống các hành vi gian lận thương mại, phát hiện và xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái quy định và buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh trong tỉnh. Riêng đối với các đơn vị cam kết bán hàng bình ổn giá, Sở Công Thương Dak Lak cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc kiểm kê, dự trữ hàng hóa và giá bán các mặt hàng thực hiện bình ổn giá.

Với nguồn hàng hóa phong phú và sự chủ động của các nhà phân phối, cơ quan chức năng, tin rằng dịp tết năm nay, NTD sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm hàng Việt uy tín, giá phải chăng  và an toàn cho sức khỏe.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.