Dòng điện về “sáng” lòng dân bản
Đường về buôn Ea Puk mùa xuân này dường như gần hơn, không chỉ do đường đã được trải nhựa thẳng tắp, rộng thênh thang mà còn do dòng điện lưới quốc gia đã vươn xa về tận buôn, kéo theo ấm no về với buôn làng. Dòng điện đưa nước về làm mát những cánh đồng ngô, đồng bí, và mát cả lòng người dân buôn Ea Puk, xã Ea Sô, huyện Ea Kar.
Nhờ có điện, việc đưa nước về tưới cho ruộng bí, ngô của gia đình ông Trần Văn Quang dễ dàng, thuận lợi hơn. |
Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt vào tháng 4-2006 với mục tiêu góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, để từ đó tạo tiền đề đưa Tây Nguyên từng bước phát triển theo kịp các các khu vực khác trong cả nước. Đối với tỉnh Dak Lak, dự án được thực hiện ở 315 thôn, buôn thuộc 11 huyện của tỉnh. Tính đến nay, dự án đã triển khai lắp đặt 297 trạm biến áp, 479 km đường dây trung áp, 545 km đường dây hạ áp cho gần 23.000 hộ được hưởng lợi từ dự án. Với người dân buôn Ea Puk, sau bao tháng ngày mong đợi, năm 2010 đã có 90 hộ dân (phần lớn là dân tộc Mông, Ê đê) nơi đây biết đến nguồn sáng của ánh đèn điện. Điện về, cả buôn như bừng thêm sức sống mới.
Buôn Ea Puk nằm cách trung tâm huyện hơn 30 km, đất đai cằn cỗi, nắng đến chói chang và mặt đất lúc nào cũng bạc phếch, trồng cây gì cũng khó. Điện về không chỉ thắp sáng mà còn phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho nhiều hộ đẩy mạnh chăn nuôi, tăng gia sản xuất, hình thành thêm nhiều ruộng bí, vườn mía, vườn ngô tươi tốt, cuộc sống từng bước đi vào ổn định; đời sống tinh thần vì thế cũng trở nên phong phú hơn. Gia đình ông Trần Văn Quang là một điển hình tiêu biểu, ông kể: trước đây chưa có điện, để chăm sóc được hơn 1 ha bí ngô đợi đến ngày đơm hoa kết trái, vợ chồng ông phải làm quần quật, khổ nhất là việc đưa nước về tưới cho ruộng. Mỗi ngày, hai vợ chồng phải gánh trên vai không biết bao nhiêu gánh nước để chống chọi với cái nắng trên vùng đất sỏi này. Mùa mưa thì đỡ chứ nắng hạn kéo dài coi như mất mùa luôn, khổ trăm bề. Giờ, thì chỉ cần bật nhẹ cái công tơ là đã có nước về tận đồng. Tiện lợi nên ông đã mở rộng trồng thêm 2 ha bí, mỗi năm cho thu hoạch gần 100 triệu đồng.
Điện về bản - mơ ước bấy lâu của người Mông nơi xã nghèo heo hút đã thành hiện thực. Từ những nông dân tay trắng, giờ đây nhiều người trong số họ đã có thể sắm sửa các vật dụng hiện đại trong nhà, mua ti vi, xe tay ga… Trưởng buôn Hờ A Sủn (dân tộc Mông) nói vui: có điện về, người dân được xem ti vi, nghe đài, nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, lại còn học được nhiều mô hình sản xuất giỏi, cách làm hay và chủ động áp dụng để phát triển kinh tế gia đình, không nghe theo lời kẻ xấu phá rừng... Cái điện làm giàu cho dân bản, thấy buôn làng gần hơn với cả nước, mọi thông tin, tin tức đều biết cả nhờ truyền hình. Nói rồi, ông nhìn ra con đường phía xa xa, nơi những cột điện dựng thẳng tắp, bồi hồi nhớ lại: ngày trước, khi đêm xuống cả buôn tối om om, nhà nào cũng chỉ biết tắt đèn đi ngủ sớm. Tội nhất là lũ trẻ, tối đến phải căng mắt ra học, cố “hớt” lấy từng ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu mà đọc từng con chữ… Giờ “chuyện đó đã thành xưa” và đi vào ký ức về những ngày tháng khốn khó trong lòng những Mông đầu tiên đặt chân đến khai hoang trên mảnh đất Ea Puk này. Cuộc sống vẫn bình lặng ngày lại ngày trôi qua, lòng người dân Ea Puk lại ấp ủ thêm nhiều dự định trồng cây gì, nuôi con gì, lên kế hoạch sản xuất cho vụ tới. “Phấn khởi là thế nhưng lần nào họp dân mình cũng nhắc nhở bà con phải quý cái điện mà tiết kiệm, gìn giữ từng mét đường dây, công tơ điện, sử dụng điện để sản xuất một cách hợp lý, tránh gây lãng phí…”- Hờ A Sủn nói thêm.
Chiều cuối năm, trên những ruộng bí xanh mơn mởn, người dân quanh bản Mông lại phấn khởi cầm ống đưa dòng nước về tưới mát cho cánh đồng, hy vọng mùa tới bội thu. Một mùa xuân mới sắp về mang theo niềm vui rộn rã trong ánh mắt của bà con làng Ea Puk - mùa xuân của no ấm… Tết này, về Ea Puk không chỉ vui vì có ti vi, đầu đĩa DVD mở nhạc Xuân rộn ràng mà còn vui vì hoa màu, bí ngô đều sai quả. Buôn Ea Puk không giàu có bằng những buôn làng khác, chưa có nhiều nhà xây cao tầng nhưng nhiều người dân trong số họ vẫn kể với giọng đầy tự hào: “buôn làng đã thay da đổi thịt nhiều lắm rồi, đời sống của bà con dân bản đang khấm khá lên từng ngày”…
Chia tay buôn Ea Puk, những con đường trải nhựa ngoằn nghoèo núp mình sau cánh rừng Ea Sô hùng vĩ, những hàng cột điện thẳng tắp, rẽ nhánh đi vào từng con đường làng yên ả… Ea Puk đang chuyển mình, dòng điện đang tiếp sức cho những mảnh đời lam lũ nơi đây. Ngày có điện về sẽ mãi như một ký ức đẹp theo trong lòng mỗi người dân bản, khiến họ hăng say hơn, lao động miệt mài hơn...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc