Giá đường xuống thấp, doanh nghiệp và người trồng mía gặp khó khăn
Hiện nay, giá đường tinh luyện trên thị trường liên tục sụt giảm, tình hình tiêu thụ đường lại rất chậm khiến doanh nghiệp và người trồng mía gặp không ít khó khăn. Từ đầu tháng 12-2012, giá đường giảm xuống chỉ còn 13.500 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đang phải bù giá từ 70.000-90.000 đồng/tấn cho nông dân để giữ ổn định vùng nguyên liệu.
Ông Bùi Văn Hòa, người dân trồng mía ở thôn An Bình, xã Ea Tyh (huyện Ea Kar cho biết: Vụ mía năm ngoái với 10 ha mía, gia đình ông thu lãi trên 250 triệu đồng; năm nay, trừ chi phí gia đình ông chỉ thu được 150 triệu đồng. Hiện nay Công ty cổ phần Mía đường 333 thu mua với giá 870.000 đồng/tấn, là đã hỗ trợ cho nông dân 90.000/tấn mía. Nếu không có sự hỗ trợ giá này của Công ty thì gia đình ông thua lỗ và sẽ phải lo lắng vụ mía tới có nên ổn định diện tích trồng mía hay không.
Theo ông Phan Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường 333, đầu năm 2012, giá đường tuy có giảm từ 16.000-17.000 đồng/kg, Công ty vẫn có lãi. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường, lượng đường tiêu thụ rất chậm, vì đường Thái Lan nhập lậu đã xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Dak Lak và các tỉnh lân cận với giá chỉ từ 13.000-13.500 đồng/kg. Công ty cổ phần mía đường 333 đang tồn kho trên 5.000 tấn đường, chưa kể sản lượng mía đầu vụ mới sản xuất của nhà máy. Tình hình tiêu thụ chậm làm phát sinh chi phí lưu kho, đẩy giá thành lên cao, trong khi giá đường lại liên tục giảm nên Công ty khó tránh khỏi thua lỗ. Tuy gặp khó khăn nhưng Công ty vẫn duy trì sản xuất nhằm tiêu thụ mía cho bà con nông dân theo hợp đồng bao tiêu đã ký kết. Với diện tích mía trên địa bàn 2 huyện M’Drak, Ea Kar hơn 6.900 ha cũng chưa đủ để Nhà máy đường 333 vận hành hết công suất. Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu mua nguyên liệu mía giữa các nhà máy mía đường thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng mía trong tỉnh cũng như của nhà máy chế biến. Vì vậy, Công ty kiến nghị Hiệp hội Mía đường và Chính phủ có chính sách rõ ràng trong việc khoanh vùng vùng nguyên liệu mía để tránh việc các nhà máy tranh mua, tranh bán; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình trạng đường nhập lậu để các nhà máy chế biến đường và người dân yên tâm sản xuất.
Như Ngọc -Lâm Thành
Ý kiến bạn đọc