Làm gì để nâng cao năng lực quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản?
Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã được quan tâm rất nhiều, từ khâu bố trí cán bộ quản lý đến cơ chế chính sách phục vụ cho công tác này. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện tràn lan của thực phẩm không bảo đảm chất lượng, mất an toàn vệ sinh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng và người sản xuất thì việc tăng cường năng lực cho những “cửa gác” này là điều tối cần thiết để góp phần làm cho sản phẩm nông sản thực sự sạch từ đồng ruộng tới bữa ăn.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản lấy mẫu cà phê tại Doanh nghiệp cà phê Uy Tín (huyện Krông Pak) để kiểm tra chất lượng sản phẩm. |
Vẫn còn yếu và thiếu
Dak Lak được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm từng bước nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông, lâm, thủy sản, nhất là đối với một số loại cây trồng vật nuôi nổi cộm về vấn đề an toàn thực phẩm. Đó là: quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, quy hoạch chăn nuôi gia cầm và cơ sở giết mổ tập trung, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học... Đến nay, các địa phương đều đã hình thành các mô hình sản xuất rau an toàn, đặc biệt có 2 huyện Ea Kar, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột có sản phẩm rau được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, để quản lý tốt lĩnh vực nông - lâm - thủy sản có các chi cục chuyên môn như: Chi cục bảo vệ thực vật (quản lý lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật; Chi cục Thú y (quản lý lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và thú y thủy sản); Chi cục Thủy sản (quản lý lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các cơ sở nuôi, sản xuất con giống thủy sản)… Các chi cục này làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi, trồng trọt các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, phân bón, quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn sản phẩm nông sản… Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý chất lượng, ATVSTP nông, lâm và thủy sản được phân công quản lý rất rộng, phức tạp (từ sản xuất đến chế biến, buôn bán…), trong khi đó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản chỉ mới có ở cấp tỉnh nên rất khó khăn khi triển khai các hoạt động xuống cơ sở. Bên cạnh đó, công tác quản lý từng công đoạn của quá trình sản xuất được giao cho từng chi cục, nhưng tại các chi cục như bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản … chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý chất lượng, ATVSTP. Đối với cấp huyện, nhiệm vụ quản lý chất lượng, ATVSTP nông, lâm và thủy sản tại địa phương thường được giao lồng ghép cho Phòng NN-PTNT hoặc Trạm bảo vệ thực vật, thú y; ở cấp xã chưa có cán bộ được giao nhiệm vụ và đào tạo để làm công tác quản lý chất lượng và ATVSTP. Chính vì vậy, hoạt động của công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản rất phân tán, thiếu tính hệ thống và chưa thực sự gắn kết để phối hợp triển khai nhiệm vụ. Đó là chưa kể cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp cảm quan, chẩn đoán lâm sàng và một số test kit đơn giản… đã gây nhiều trở ngại trong việc nâng cao chất lượng hoạt động.
Cần phân công quản lý chất lượng
Một trong những nguyên nhân chính của những tồn tại về chất lượng, ATVSTP là nhận thức của các cấp quản lý, của cả người sản xuất và người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ; tổ chức bộ máy quản lý chưa được kiện toàn đủ mạnh ở cả ba cấp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên… Chính vì vậy, để nâng cao năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy quản lý, phân cấp quản lý thì việc phân công quản lý cho các cơ quan, bộ phận chuyên ngành là điều cần thiết. Theo Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản: để phân cấp và phân công quản lý chất lượng, ATVSTP nông, lâm, thủy sản thì cần phân định rõ các nhóm sản phẩm và chuỗi sản phẩm. Đơn cử: kiểm soát giống cây trồng, vật nuôi trên cạn, kỹ thuật và môi trường canh tác thì giao cho phòng trồng trọt và các bộ phận chuyên ngành; kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch bệnh cây trồng - giao cho phòng trồng trọt và Chi cục Bảo vệ thực vật đảm nhiệm; kiểm soát thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch bệnh gia súc, gia cầm - giao cho phòng chăn nuôi và Chi cục Thú y đảm nhiệm; kiểm soát giống, kỹ thuật và môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thủy sản, dịch bệnh thủy sản do Chi cục Thủy sản đảm nhiệm; kiểm soát quá trình bảo quản, sơ chế sản phẩm, sản phẩm lưu thông trên thị trường do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đảm nhiệm… Sự phân công trách nhiệm quản lý cho các cơ quan, bộ phận như trên sẽ tránh được sự chồng chéo trong quá trình thực thi nhiệm vụ và quy kết được trách nhiệm quản lý các công đoạn của các tổ chức hay cá nhân. Đây là giải pháp trước mắt để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản hiện tại. Về lâu dài, để phối hợp một cách chặt chẽ giữa các bộ phận và ngành chức năng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm trong quá trình quản lý thì cần có cơ quan truy xuất nguyên nhân. Đây là yêu cầu rất quan trọng bởi việc sản phẩm kém chất lượng hay mất ATVSTP có nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra ở nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất đến lưu thông. Hy vọng trong một thời gian không xa, những “cửa gác” này sẽ được hoàn thiện để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và sản phẩm nông, lâm, thủy sản Dak Lak có nhiều hơn cơ hội tiến tới các quy trình sản xuất sạch để xuất khẩu.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc