Những “điểm sáng” CÔNG NGHIỆP
Trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp đang tăng dần tỷ trọng mỗi năm. Sự phát triển ấy không chỉ góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Sản phẩm của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (KCN Hòa Phú) đã xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Ảnh: Minh Thông |
Phát huy thế mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản
Theo đánh giá của Sở Công Thương, những năm qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến khá ổn định, duy trì ở mức 18% và luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp (hoảng 70-80%) trong đó chế biến nông lâm sản được đánh giá là ngành có tiềm năng lợi thế phát triển. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ: trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 6.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, riêng cơ sở công nghiệp chế biến chiếm trên 80% và số doanh nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm sản chiếm trên 60%. Điều đáng chú ý là một số ngành công nghiệp, chế biến đang có xu hướng tăng dần về số lượng, mở rộng về quy mô trong những năm gần đây như: chế biến cà phê nhân, cà phê an toàn, cà phê bột, cao su, tinh bột sắn, mía đường, bông, chế biến gỗ… Là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, nên sự phát triển mạnh và vững của ngành kinh tế này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ công nghiệp chế biến không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2001 kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản khoảng 185 triệu USD, thì đến năm 2011 con số này đã gần 700 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm cà phê nhân, cà phê bột, cao su, điều, sản phẩm từ ong mật, tinh bột sắn…
Chế biến cà phê xuất khẩu - một trong những thế mạnh của công nghiệp chế biến nông lâm sản ở tỉnh. |
Có thể nhắc đến chế biến cà phê như một ngành phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng trong những năm gần đây với hơn 100 cơ sở chế biến cà phê, công suất trung bình 400.000 tấn/năm. Vì là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của tỉnh nên việc đầu tư cho dây chuyền công nghệ chế biến được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 DN chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, sản lượng chế biến chiếm 7-8% tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Những năm gần đây, với chính sách khuyến khích, tạo điều kiện từ UBND tỉnh, một số dự án chế biến cà phê quy mô lớn được đầu tư như: nhà máy chế biến cà phê hòa tan công suất 1.000 tấn/năm của Công ty Cà phê An Thái, nhà máy chế biến cà phê bột – hòa tan công suất 60.000 tấn/năm của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, nhà máy chế biến cà phê hòa tan công suất 10.000 tấn/năm của Công ty TNHH Cà phê Ngon. Có thể kể đến một số doanh nghiệp của tỉnh gặt hái được thành công trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu: Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Đầu tư - Phát triển An Thái, Công ty TNHH MTV XNK 2-9, Công ty CP Đầu tư XNK Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak, Công ty cổ phần Ong mật Dak Lak …
Công nghiệp cơ khí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Chỉ cách đây 5 năm, ngành cơ khí tỉnh còn phát triển dưới dạng nhỏ lẻ với quy mô hộ gia đình thì đến nay nhiều doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu. Các sản phẩm bơm tưới cà phê của cơ khí Đăng Phong, Bắc Trường, Văn Thể… hỗ trợ đắc lực cho người nông dân, trở thành thương hiệu của cơ khí Dak Lak. Ngoài ra, những sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp chế biến cà phê và các loại nông sản cũng là một trong những thế mạnh của công nghiệp cơ khí tỉnh ta: giàn đánh bóng cà phê của Công ty TNHH Xuân Hòa, Viết Hiền…; máy hái cà phê của cơ khí Vinh Long; cối xay cà phê của cơ khí Hưng Phát, Văn Minh… đã phát triển trở thành thương hiệu cho một làng nghề ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột). Có thể khẳng định những sản phẩm của công nghiệp cơ khí tỉnh đã góp phần rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Chính ngành công nghiệp cơ khí đang từng bước hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Sản xuất máy bơm nước tại Cơ khí Đăng Phong. |
Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp và hơn 50 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cơ khí. Tuy số lượng không nhiều nhưng các sản phẩm cơ khí của tỉnh đang ngày càng khẳng định chất lượng và thương hiệu bởi có sự đột phá về khâu kỹ thuật trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Hải, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tỉnh khẳng định: ngành cơ khí ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh cả về giá trị sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường, trong đó đáng chú ý là cơ khí sản xuất máy nông cụ. Bên cạnh các doanh nghiệp cơ khí tập trung, tại hầu khắp các xã, thị trấn còn có nhiều cơ sở sản xuất cơ khí thủ công ở các vùng nông thôn. Sản phẩm thủ công tuy không có kỹ thuật chế tạo hiện đại nhưng lại đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Ước tính ngành cơ khí thu hút khoảng từ 3.000 đến 4.000 lao động khu vực nông thôn. Chính sự phát triển của ngành cơ khí gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp của địa phương đã tạo nên sự tương tác rõ rệt. Đó là trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp, các sản phẩm cơ khí trong tỉnh phục vụ và hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất của người nông dân; đồng thời chính nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp đã tạo nên thị trường ổn định nhưng cũng đầy cạnh tranh để ngành cơ khí không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc