Quản lý, sử dụng đất trong xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều thách thức
Đất đai giữ một vai trò quan trọng trong công tác quy hoạch, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bởi trong 19 tiêu chí có đến 8 tiêu chí liên quan đến đất đai. Song, vấn đề quản lý, sử dụng đất hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, vì vậy, cần có chiến lược quy hoạch, sử dụng đất hợp lý hơn nhằm góp phần rút ngắn lộ trình XDNTM trên địa bàn.
Thực hiện các biện pháp canh tác khoa học sẽ giúp nông dân bảo vệ đất và tăng giá trị thu hoạch từ đất. |
Hiệu quả thấp
Những năm qua, Dak Lak đã chú trọng nhiều đến việc lập quy hoạch sử dụng đất cũng như thực hiện tốt việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, công tác quản lý, sử dụng đất đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đạt trên 75% diện tích theo kế hoạch; hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai từng bước được cập nhật, hoàn thiện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được lập, điều chỉnh kịp thời… Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh, nhóm đất nông nghiệp 1.132.108 ha, chiếm 86,25% tổng diện tích, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 40,54% tổng diện tích; đất lâm nghiệp chiếm 45,51% tổng diện tích; đất nuôi trồng thủy sản 2.270 ha… Nhóm đất phi nông nghiệp 102.382 ha, chiếm 7,80% tổng diện tích; nhóm đất chưa sử dụng là 78.046 ha, chiếm 5,95% tổng diện tích. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người khá cao, đạt trên 3.000 m2, bảo đảm ổn định đất sản xuất cho người lao động ở khu vực nông thôn và ven đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như tiềm năng đất đai chưa được phát huy tốt, hiệu quả sử dụng còn thấp, nhất là qua việc quy hoạch phát triển một số cụm công nghiệp (CCN), đô thị, cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp… chưa được cân nhắc kỹ lưỡng đã dẫn đến việc sử dụng đất lãng phí, tỷ lệ lấp đầy các CCN thấp; tình trạng dự án treo vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, đất giao cho các nông, lâm trường quản lý, sử dụng với diện tích lớn nhưng hiệu quả rất kém. Thêm vào đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, chưa ngăn chặn được nạn tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất, kéo theo tình trạng khiếu kiện, giải quyết khiếu nại về đất đai diễn biến phức tạp, chồng chéo; việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn, gây không ít trở ngại cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM…
Cần tháo gỡ vướng mắc từ chính sách
Dak Lak không chỉ có lợi thế về diện tích đất đai rộng lớn, phù hợp với nhiều loại nông sản xuất khẩu mà còn có nền văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc và vị trí quốc phòng quan trọng. Chính vì vậy, có chính sách sử dụng đất thích hợp để tăng thu nhập, an dân và phát huy các lợi thế của vùng là vấn đề hết sức quan trọng. Theo PGS,TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, quy hoạch nông thôn và XDNTM là nhiệm vụ hết sức cần thiết, bởi nếu để nông thôn phát triển tự phát thì hậu quả nó đem lại (như ô nhiễm môi trường, giao thông không phát triển…) còn nan giải hơn cả thành thị. Do đó, nông thôn mới cần có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt; phát triển dân trí và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp…, song mỗi vùng nông thôn lại cần những yếu tố này theo những mức độ khác nhau. Đặt ra chuẩn mực chung thống nhất cho cả nước sẽ là một cách làm không thích nghi, thậm chí sẽ khó khăn cho việc huy động tài chính, hoặc khuyến khích địa phương chạy theo thành tích. Chính vì vậy, XDNTM cần phù hợp theo từng vùng, với những đặc thù của Dak Lak, để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai trong XDNTM trước hết phải chú trọng chính sách bảo vệ đất bằng cách khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp canh tác khoa học, đầu tư đồng bộ để cải tạo, phục hồi độ phì nhiêu của đất nhằm tăng giá trị lấy từ đất một cách bền vững, trên cơ sở đó mới cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân. Tiếp theo là phải khắc phục triệt để các kiểm soát về quy hoạch sử dụng đất, đồng thời có chế tài với các diện tích đất đầu cơ; hỗ trợ thông tin thị trường, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư dưới nhiều hình thức để tăng phần giá trị gia tăng giữ lại cho nông dân; tăng tính hiệu quả kinh tế trong xây dựng các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội ở nông thôn; chú trọng đến hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề để nông dân có thể hành nghề nông nghiệp hiệu quả….
Thiết nghĩ, sử dụng đất hiệu quả gắn với XDNTM cần sự nỗ lực có tính hệ thống và lâu dài, trong đó sự hỗ trợ cũng như giải quyết những vướng mắc trong chính sách đất đai từ phía Nhà nước để người dân chủ động hơn với đất đai, có thu nhập cao hơn từ nghề nông và có môi trường sống tốt hơn ở nông thôn… Đồng thời, cũng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai để nâng cao trình độ hiểu biết cho nông dân cũng là yếu tốt quyết định thành công trong XDNTM.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc