Multimedia Đọc Báo in

Quê nghèo đổi thay

06:07, 13/01/2013

Có những địa phương ở vùng sâu, vùng xa lâu nay phải đối diện với cái nghèo do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, trình độ dân trí chưa cao.  Nhưng bằng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và những cách làm hay, biết phát huy lợi thế sẵn có của mình, nhiều vùng quê nghèo đã thực sự thay da đổi thịt.

Ea Tul khá lên nhờ cây cà phê

Về xã Ea Tul, huyện Cư M’gar bây giờ sẽ dễ dàng cảm nhận được diện mạo nông thôn ở đây đã có nhiều khởi sắc với những tuyến đường thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng khang trang.

Nhiều người dân thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền khá lên nhờ thâm canh cây mía và cây bắp.
Nhiều người dân thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền khá lên nhờ thâm canh cây mía và cây bắp.

Ea Tul có hơn 90% dân số là đồng bào Êđê, trước đây, nền kinh tế - xã hội của địa phương gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa phát triển, Đến nay, nhiều công trình xây dựng cơ bản đã được đầu tư một cách đồng bộ như đường giao thông từ huyện về tới các thôn, buôn dài hơn 30km được nhựa và bê tông hóa, lưới điện quốc gia đã đến với gần 100% hộ dân. Trong sản xuất, địa phương đã có 4 công trình thủy lợi, bảo đảm đủ nguồn nước tưới cho 4.508 ha cà phê và 30 ha lúa nước nên năng suất canh tác được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: “Đây là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay đã hoàn thành 9 tiêu chí và đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới”. Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Ea Tul xác định cây cà phê là thế mạnh nhằm tạo sự đột phá, cụ thể là phát triển vùng chuyên canh cây cà phê theo hướng bền vững, qua đó nâng thu nhập cho người dân. Từ năm 2009 nhiều hộ dân đã liên kết trồng cà phê với Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, theo đó người nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm, nên năng suất cà phê được cải thiện. Đến nay toàn xã có hơn 3.000 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, trong đó vùng chuyên canh cà phê nguyên liệu sạch đạt 2.079ha, năng suất bình quân 3 tấn/ha. Ông Phạm Văn Thái (thôn 2) có hơn 3 ha cà phê, trước đây canh tác theo kiểu truyền thồng nên năng suất, chất lượng cà phê thất thường, hiệu quả sản xuất không cao. Những năm gần đây, nhờ được tiếp cận khoa học kỹ thuật nên vườn cây đạt năng suất gần 4 tấn/ha. Nhờ cây cà phê, đời sống kinh tế gia đình ông khá lên, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, xây được nhà khang trang, sắm tiện nghi hiện đại. Không chỉ ông Thái mà nhiều nông dân xã Ea Tul đã thật sự “đổi đời” nhờ cây cà phê, trong đó gần 20% hộ dân thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, hàng trăm hộ xây dựng được nhà cao tầng... Đặc biệt, trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như: ông Y Wưl Ayun, ở buôn Sah A, thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 28 lao động, hay ông Ama Len ở buôn Yao, mỗi năm thu nhập gần 400 triệu đồng từ trang trại trồng trọt đa cây. Ông Nguyễn Văn Công phấn khởi: “Ea Tul nay đã khác rồi, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng khá lên”.

Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa

Người dân đoàn kết giúp nhau làm kinh tế và tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là điều dễ dàng nhận ra khi đến thăm thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền – một đơn vị văn hóa tiêu biểu của huyện Krông Bông.

Thôn 12 được tách ra từ thôn 9 (xã Khuê Ngọc Điền) từ năm 2008, người dân ở đây chủ yếu từ Quảng Nam vào xây dựng kinh tế mới, đại bộ phận sản xuất nông nghiệp, nhưng do thường xuyên bị mưa lũ hoành hành, nên đời sống người dân gặp khó khăn. Trước tình hình này, chi bộ, ban mặt trận thôn đã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với xen canh tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, đến nay diện mạo vùng đất này đã có nhiều đổi thay, những ngôi nhà khang trang được xây dựng mới, nhiều mô hình sản xuất được người dân áp dụng đã cho hiệu quả kinh tế cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Với lợi thế có đất bãi bồi ven sông Krông Ana, nhiều hộ dân đã khá lên nhờ việc trồng mía, bắp…Điển hình cho những nông dân làm kinh tế giỏi ở đây là ông Trần Văn Pha, với hơn 3 ha đất trồng mía và lúa nước, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng…

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, thôn 12 cũng là điểm sáng trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Để cuộc vận động có hiệu quả, ban công tác mặt trận thôn 12 đã chủ động triển khai kế hoạch, phân công cụ thể các thành viên phụ trách từng tổ dân cư, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua, được cụ thể hóa thành các tiêu chí quy định tại hương ước của thôn như: thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc hiếu hỉ; tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; trẻ em phải được đến trường đúng độ tuổi; tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội… Bên cạnh đó, ban tự quản thôn cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất. Ông Phan Thanh Cưỡng, trưởng thôn 12 – xã Khuê Ngọc Điền cho biết đến nay, thôn đã có 97 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, và là đơn vị văn hóa điểm của huyện.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc