Multimedia Đọc Báo in

Mùa xuân về với buôn làng

09:43, 06/02/2013

Khi cây lúa, cây ngô trên rẫy được thu hoạch xong, hoa rừng bắt đầu khoe sắc thắm cũng là lúc khắp các buôn làng trên địa bàn Dak Lak rộn rã chuẩn bị đón chào mùa xuân mới. Với đồng bào các dân tộc nơi đây, mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, mùa khởi đầu của ấm no.

Những ngày cuối năm, các buôn làng ở  Dak Lak đã thu hoạch xong mùa màng, cũng là lúc mùa xuân sắp về, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi. Đây cũng là dịp các gia đình tổ chức cúng tạ ơn các thần linh, tổ tiên, hồn lúa và cầu mong sức khỏe cho gia đình, người thân… Trưởng buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) Y Som Byă cho biết: trong buôn chủ yếu là người M’nông sinh sống nên vẫn giữ được nét văn hóa lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hàng năm vào dịp kết thúc một mùa rẫy là đồng bào các dân tộc nơi đây cùng tổ chức lễ hội đón năm mới như: lễ ăn cơm mới để tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới thóc lúa đầy nhà; lễ cúng bến nước để cầu mong mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mọi người khỏe mạnh; lễ bỏ mả cho người quá cố gặp điều tốt trong thế giới bên kia… Bên cạnh nghi lễ, đồng bào còn tổ chức các sinh hoạt văn hóa như kể khan (sử thi), đánh cồng chiêng…, tạo nên sự đa dạng của hoạt động văn hóa trong ngày lễ.

Cánh đồng lúa trù phú mang lại sự no ấm cho đồng bào buôn Khanh.
Cánh đồng lúa trù phú mang lại sự no ấm cho đồng bào buôn Khanh.

Điều mừng hơn là trong những năm qua, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi nên đời sống đồng bào nơi đây đã ổn định, kinh tế phát triển khá. Toàn buôn có 171 hộ nhưng đến 60% là hộ khá giả, hộ nghèo chỉ còn 23 hộ. Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, buôn Khanh vinh dự được chọn làm buôn điểm của xã nên đường giao thông trong buôn được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông còn trực tiếp hướng dẫn bà con trong buôn biết cách trồng cây ngô, cây lúa... sao cho hiệu quả; vì vậy mà hầu như hộ nào cũng trồng ngô lai, lúa lai nên năng suất rất cao, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn mua được xe máy, xây được nhà. Dạo một vòng quanh buôn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự khang trang của buôn: không còn đường đất bụi bặm, nhiều ngôi nhà được xây mới khang trang, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 85% số hộ có xe máy, máy cày phục vụ cho hoạt động sản xuất. Theo lời buôn trưởng, có đường sá rồi nên đến mùa thu hoạch việc vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn, có khi thương lái còn đánh xe vào tận rẫy để thu mua. Nhờ đó đã có rất nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng cây ngô lai. Anh Y Kố R’Chăm cho biết: “Trước đây tôi cũng đã trồng nhiều loại hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua tham gia các lớp tập huấn và dự các mô hình trình diễn về cây ngô lai, tôi đã áp dụng thử trên mảnh vườn nhà. Vụ một vừa rồi gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 20 tấn từ 3 ha ngô lai, năng suất cao gần gấp đôi so với giống ngô truyền thống. Nhờ đó mà đời sống gia đình đã được cải thiện hơn”. Bên cạnh phát triển cây ngô lai, người dân trong buôn còn phát triển thêm lúa lai (nhị ưu 838, bắc ưu 64), cây cà phê… Chính vì đa dạng hóa cơ cấu cây trồng nên đời sống người dân trong buôn được cải thiện rõ rệt. Song điều quan trọng hơn là nhận thức, tư duy của bà con đã có sự thay đổi rõ rệt, không còn canh tác theo tập quán nữa mà đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng cây, chăn nuôi, giúp họ thích ứng kịp thời với yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc