Vùng kinh tế động lực Tây Nguyên: Khơi dậy lợi thế và tiềm năng trên đường phát triển
“Đến năm 2020, Tây Nguyên sẽ phát triển bền vững và ổn định trên cơ sở tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đạt mức trung bình so với cả nước, tạo bước chuyển biến căn bản về phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; từng bước đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước…”. Đó là mục tiêu trong chiến lược đầu tư phát triển Tây Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng
Theo Tiến sĩ Trần Hồng Quang, Trưởng Ban nghiên cứu về phát triển vùng - Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì trong quy hoạch tổng thể vùng Tây Nguyên, việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xác định là yêu cầu tiên quyết và được ưu tiên “đi trước một bước”. Theo đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, cấp điện, hạ tầng các khu công nghiệp… trong thời gian đến sẽ được tập trung đầu tư từ nhiều nguồn. Trong đó, chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm cả ODA), trái phiếu Chính phủ và huy động các nguồn vốn khác thông qua các hình thức đầu tư PPP, BOT, BT…
Trên bản đồ phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên trong tương lai, sẽ tập trung phát triển theo hướng hình thành 3 tuyến trục dọc, gồm: đường Trường Sơn Đông - Quốc lộ 20, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đường hành lang biên giới Kon Tum - Quốc lộ 14C - đường hành lang biên giới Dak Nông. Ngoài ra trong khu vực cũng sẽ phát triển 4 tuyến trục ngang chính là: Quốc lộ 24 - Quốc lộ 14 - Quốc lộ 40, Quốc lộ 19, Quốc lộ 26, Quốc lộ 28 - Quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 686 - Quốc lộ 14C. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc nối ngã ba Dầu Giây – TP. Đà Lạt, và tiếp đến (sau năm 2020) sẽ tiếp tục xây dựng đường cao tốc tuyến TP. Pleiku – Quy Nhơn.
Các tuyến đường sắt nối đồng bằng với Tây Nguyên cũng sẽ được nghiên cứu, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp theo từng giai đoạn để phát triển phục vụ nhu cầu giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản từ Dak Nông đến Bình Thuận; tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; trục chính mạng đường sắt Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Buôn Ma Thuột - Chơn Thành - Thành phố Hồ Chí Minh) và tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku cũng sẽ dần được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa; đồng thời sẽ nghiên cứu, bổ sung quy hoạch sân bay cho hoạt động bay trực thăng và máy bay dân dụng loại nhỏ đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
TP. Buôn Ma Thuột sẽ được đầu tư xây dựng, phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. (Ảnh: Gia Hưng) |
Đầu tư phát triển đô thị trọng điểm
Tiến sĩ Trần Hồng Quang phân tích: Trên cơ sở Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, kết hợp với nghiên cứu địa hình cũng như hạ tầng đô thị ở các địa phương, chúng tôi xác định phương hướng phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên sẽ theo hướng phân chia thành các tiểu vùng để đầu tư. Theo đó, Tây Nguyên sẽ được quy hoạch để đầu tư theo các lãnh thổ trọng điểm. Cụ thể, Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên sẽ gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Với lợi thế tiềm năng sẵn có, tiểu vùng này sẽ được ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp thủy điện, đồng thời hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Trong khu vực này cũng sẽ đảm nhận trọng trách thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới Việt Nam - Lào – Campuchia. Trong đó, TP. Pleiku (Gia Lai) sẽ được đầu tư xây dựng là một trong những đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thành phố Kon Tum và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) tiếp tục được đầu tư phát triển để trở thành các động lực quan trọng của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Tỉnh Dak Lak nằm trong Tiểu vùng Trung Tây Nguyên, sẽ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng, phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đây cũng sẽ là trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế; là đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tiểu vùng Nam Tây Nguyên gồm 2 tỉnh Dak Nông và Lâm Đồng, sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, TP. Đà Lạt tiếp tục được đầu tư để trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn của cả nước và quốc tế.
Ngoài ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhiều đô thị trong vùng cũng sẽ được nâng cấp và hình thành mới để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng cao. Cụ thể, sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh kếu cấu hạ tầng thị xã Gia Nghĩa để nâng cấp thành đô thị loại III. Xây dựng TP. Bảo Lộc trở thành đô thị công nghiệp, trong tâm dịch vụ, thương mại, du lịch, đầu mối giao thông đường bộ quan trọng của khu vực Nam Tây Nguyên. Theo định hướng, thị xã Ayun Pa sẽ được nâng cấp lên đô thị loại III và thị trấn Ea Kar sẽ trở thành thị xã. Các thị trấn Plei Kần (Kon Tum), Chư Sê (Gia Lai), Phước An và Buôn Trấp (Dak Lak), Dak Mil và Kiến Đức (Dak Nông) sẽ được nâng cấp lên đô thị loại IV và trở thành các thị xã.
Kết nối hành lang kinh tế, liên kết để cùng phát triển
Dựa theo đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội, cũng như hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư thông suốt, trong tương lai, Tây Nguyên sẽ dần hình thành 3 dải – hành lang phát triển kinh tế trong định hướng phát triển cho tương lai.
Theo đó, dải Đông Trường Sơn được xây dựng để kết nối khu vực phía Tây của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và ra ngoài vùng để tăng cường sự giao lưu với các đô thị lớn theo dọc hành lang trung tâm và với các tỉnh duyên hải miền Trung. Các đô thị quan trọng trên dải Đông Trường Sơn sẽ là thị trấn Măng Đen (Kon Tum), thị trấn Kbang, thị xã An Khê, thị trấn Kông Chro, thị trấn Phú Túc, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) và thị trấn M’Drak, Krông Bông (Dak Lak).
Hành lang trung tâm được xem là hành lang kinh tế quan trọng nhất của vùng Tây Nguyên, tập trung hầu hết các đô thị lớn trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, có tiềm lực kinh tế và đặc biệt là khu vực có các khu, cụm công nghiệp trong vùng. Các đô thị trên hành lang này sẽ được đầu tư nâng lên cấp vùng, tiểu vùng, và cũng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học-kỹ thuật, tạo sức lan tỏa ra các khu vực phụ cận.
Trong khi đó, dải biên giới được định hướng là sẽ phát triển các đô thị nằm dọc biên giới, bao gồm đô thị cửa khẩu Bờ Y, đô thị cửa khẩu Đức Cơ, các thị trấn Chư Ty, Dak Mil, Dak Song… Tiến tới nâng cấp đường hành lang biên giới trên địa bàn Kon Tum, Dak Nông và Quốc lộ 14C, nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa tại các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Dak Ruê (Dak Lak) và Bu Prăng (Dak Nông). Đây là tuyến đường vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng.
Trên cơ sở những mục tiêu cũng như quan điểm phát triển đến năm 2020, việc định hướng cũng như đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên, theo quan điểm của Chính phủ, cần phải gắn chặt với đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng như vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trên các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... Ngoài ra, trong mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên thời gian đến chính là đẩy mạnh hợp tác giữa Tây Nguyên và các địa phương của nước bạn Lào và Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; hợp tác phát triển các hành lang Đông - Tây và hợp tác song phương…, tiến tới đa dạng hóa hợp tác giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên và các địa phương của Lào và Campuchia…
Hơn 720.000 tỷ đồng đầu tư phát triển Tây Nguyên Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn vùng Tây Nguyên theo phương án tăng trưởng lựa chọn trong giai đoạn 2011-2015 là 207.900 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 512.400 tỷ đồng. Theo đó, chỉ tiêu đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp giai đoạn 2011-2016 là 57.500 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 132.900 tỷ đồng; công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2011-2015 cần được đầu tư 79.600 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 cần 208.800 tỷ đồng; khu vực dịch vụ giai đoạn 2011-2015 cần đầu tư 70.800 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 170.700 tỷ đồng. |
Việt Hoàng
Ý kiến bạn đọc