Xanh lên từ sỏi đá
Đi qua những vùng đất khô cằn sỏi đá, điều mà người ta dễ nhận thấy nhất là cái nghèo; người nông dân cần cù quanh năm bám đất nhưng cũng chỉ đủ ăn ngày ba bữa. Thế nhưng, với sức mạnh của những đôi bàn tay lao động đã biến những vùng đất này trở thành tiềm năng về phát triển nông nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống người dân tại chỗ, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm!
Nằm cách trung tâm huyện Ea Kar gần 40 km, nhìn từ xa Cư Bông lọt thỏm giữa bốn bề là núi. Toàn xã có 12 thôn, buôn với 1.404 hộ, 6.297 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%. Nơi đây đất đai và khí hậu không ưu đãi con người, trong khi đó nông nghiệp lại chiếm đến 97% nên đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Không thể để cho dân sống mãi trong đói nghèo, Đảng bộ và chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp kết hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, kiên cố hóa kênh mương và trồng rừng... Chính sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm kinh tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và nhân dân mà Cư Bông đã tận dụng khá tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện, bền vững.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rộng 120 ha thuộc chương trình 132, 134, nhìn đồng ruộng được quy hoạch vuông vức, không manh mún như ở nhiều nơi khác; những nông dân đang làm đất chuẩn bị cho vụ mới đều dùng máy để cày, anh cán bộ nông nghiệp rất vui cho biết: làm lúa ở đây đã được cơ giới hóa đến 80%, diện tích sử dụng lúa lai chiếm 50%, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Ở một xã nghèo như Cư Bông thì đây là kết quả rất đáng khích lệ. Đang rửa tay để nghỉ trưa sau buổi cày đất vất vả, anh Y Quế Niê cho hay: từ ngày được nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương, trạm bơm, tập huấn kỹ thuật, giới thiệu các giống mới nên đồng bào phấn khởi chăm sóc, ruộng đồng, lúa luôn đạt năng suất cao. Với 3 sào ruộng, gia đình anh thu về 1,6-1,7 tấn lúa khô; nhiều hộ có tiền đầu tư nhiều, thu về hơn 1 tấn/1 sào. Một trong những đổi thay ở xã còn có thể kể đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Từ những diện tích hoa màu kém hiệu quả, địa phương đã khuyến khích người dân mạnh dạn liên kết với Công ty Mía đường 333 chuyển đổi sang trồng mía-một loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện canh tác nơi đây (trồng được trên đất dốc, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư không cao). Sau 2 năm thực hiện, gần 250 ha mía đã cho hiệu quả rất khả quan, năng suất đạt trên 100 tấn/ha. Điều đáng mừng là nhiều diện tích đất hoang hóa, lâu nay bị người dân bỏ không do không canh tác được, nay cũng đã cho thu nhập; nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã xem cây mía là cây trồng chính và từng bước thoát khỏi cái nghèo. Đang nhanh tay dọn ruộng mía để chuẩn bị cho vụ kế tiếp, chị H’Linh Niê kể: trước đây 1 ha đất này được trồng ngô và đậu nhưng thu về không được bao nhiêu nên cuộc sống khổ lắm. Từ khi được công ty đầu tư và hướng dẫn trồng cây mía, gia đình đã có thu nhập, không còn lo đói ăn như trước nữa. Với hiệu quả kinh tế cây mía mang lại, dự kiến xã sẽ mở rộng diện tích thêm khoảng 100 ha nữa để nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng đất khô cằn này. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã còn thực hiện tốt công tác văn hóa, xã hội và các chính sách an sinh xã hội khác. Đặc biệt, việc triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang góp phần làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ công chức và nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo... Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Vỹ chia sẻ: mặc dù vẫn còn những khó khăn về đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi…nhưng so với những năm trước đây thì đời sống nhân dân đã tiến bộ hơn rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 47,22% năm 2012, số gia đình đã sắm được xe máy, ti vi, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên hàng năm. Trong thời gian tới, theo chủ trương của tỉnh, xã sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch, lập dự án trồng cây cao su. Dự kiến, xã sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khai thác tiềm năng này của địa phương; tạo nhiều việc làm cho lao động tại chỗ. Hiện tại, cũng đã có một số hộ đầu tư trồng cao su và đã cho sản lượng, chất lượng mủ ngang với cây cao su ở Bình Phước. Như vậy, triển vọng về cây công nghiệp mang lại sản phẩm được mệnh danh là “vàng trắng” sẽ không còn là giấc mơ xa vời với vùng đất cằn, nghèo khó như Cư Bông.
Nước về làm khởi sắc xã kinh tế mới Ya T’mốt
Tách ra từ xã Ea Bung, được thành lập tháng 10-1995 theo Nghị định 61 của Chính phủ, Ya T’mốt là xã kinh tế mới đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, dân cư chủ yếu đến từ các tỉnh thành phía Bắc vào lập nghiệp. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sau gần 20 năm, Ya T’mốt đã có nhiều khởi sắc.
Ông Hoàng Tố Vân (là cán bộ xã từ những ngày đầu thành lập, và hiện là phó chủ tịch phụ trách kinh tế của xã từ năm 2004 đến nay) vẫn còn nhớ như in những khó khăn của Ya T’mốt khi mới thành lập: toàn xã lúc đó chỉ có hơn 700 hộ dân, đất đai bạt ngàn với rừng khộp, le lút đầu người và cái nắng cháy bỏng khiến cây trồng vật nuôi khó phát triển. Trụ sở UBND chưa được xây dựng, cả xã chỉ có một phân hiệu trường tiểu học, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của xã luôn ở mức cao ngất ngưởng 70-80%. Được sự quan tâm, đầu tư đặc biệt của nhà nước, cùng với sự chung sức chung lòng giữa chính quyền địa phương và người dân, đến nay đời sống kinh tế-xã hội của Ya T’mốt thay đổi thấy rõ. Hiện Ya T’mốt đã có trên 1.500 hộ dân; xã được đầu tư xây dựng 1 trường cấp II, 2 trường cấp I, và nhiều lớp mầm non; các tuyến đường liên thôn, liên xã đều là đường bán thâm nhập hoặc láng nhựa; gần 100% người dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, nhiều thôn buôn được đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, đưa nguồn nước về tận từng hộ gia đình. Ngoài ra, hàng năm xã được đầu tư trên 1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135 của Chính phủ để xây dựng hệ thống điện, đường, trường trạm.
Nếu như trước đây, diện tích lúa nước của xã chỉ sản xuất được một vụ, đời sống kinh tế của người dân bấp bênh, thì từ năm 2011 hệ thống kênh Chánh Tây được xây dựng chạy dọc các cánh đồng của xã. Ngoài 1.000 ha lúa một vụ, nay xã đã có thêm 400 ha lúa sản xuất 2 vụ. Nước về, nhiều diện tích nông nghiệp khô hạn trước đây bỏ hoang, nay được chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, mỳ, đậu… Chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và đến nay đã tìm ra những cây, con thế mạnh như cây bông, thuốc lá, mía… hàng năm gieo trồng hàng trăm ha mỗi loại. Với diện tích các cây trồng này, người dân đã chủ động ký kết với các công ty doanh nghiệp trong việc được cung ứng nguồn giống và bao tiêu nguyên liệu, tạo đầu ra ổn định. Đây chính là những cây trồng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Ya T’mốt những năm qua. Đã có hàng trăm nông dân trở thành triệu phú với mức thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực, hiện nay Ya T’mốt cũng đang đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi dưới tán rừng, liên kết trồng rừng, trồng cao su với doanh nghiệp, từ đó góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong sản xuất.
Ngoài việc được đầu tư từ trên, cùng với sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng từ các cấp ngành địa phương, đến nay Ya T’mốt đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn khoảng 40% và có 15-25% hộ gia đình đạt hộ khá, giàu. Trong nghị quyết, xã phấn đấu hàng năm phải giảm từ 3-5% hộ nghèo, và quyết tâm đến năm 2015 đạt được 7/15 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Tố Vân tin tưởng rằng: khi hệ thống tuyến kênh xương cá của kênh Chánh Tây hoàn thiện đưa vào sử dụng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương sẽ còn tăng lên nhiều và đời sống kinh tế người dân sẽ được nâng lên. Tương lai không xa, Ya T’mốt sẽ trở thành xã trù phú ở mảnh đất vùng biên này.
Sức sống mới trên vùng đất Ea Sin
Có dịp trở về xã Ea Sin, huyện Krông Buk những ngày xuân mới thấy hết diện mạo mới của vùng quê từ lâu bị đánh giá là nghèo nhất huyện. Thành lập từ năm 2008 (tách ra từ 2 xã Cư Pơng và Cư Né), cách trung tâm huyện Krông Buk khoảng 40km về hướng Tây-Bắc, xã Ea Sin hiện có 8 thôn, buôn với 548 hộ dân, trong đó có trên 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, Ea Sin được biết đến là một vùng đồi heo hút, đất đai cằn cỗi toàn sỏi đá, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, cái ăn cái mặc của bà con phải trông chờ vào những mùa nương rẫy thất thường; việc học hành của con em trong xã vì thế cũng gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, chỉ sau chưa đầy 5 năm kể từ khi thành lập, đời sống của người dân nơi đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày, kinh tế dần ổn định với việc phát triển nông nghiệp đa cây đa con. Anh Y Răn Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Sin vui mừng cho biết: từ khi triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chính sách dân tộc, chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng và Nhà nước thì đời sống của người dân địa phương đã dần thay đổi, nhiều tuyến đường trước đây đi lại khó khăn nay đã được nâng cấp, rải cấp phối và kiên cố hóa… Xã đã triển khai “Đề án thực hiện chuẩn quốc gia về y tế” bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp thuốc và chăm sóc sức khỏe cho người dân; xây dựng 3 trường học từ cấp mẫu giáo đến THCS... Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp công sức xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi rộng khắp, đào đắp được nhiều tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng dẫn nước vào tận ruộng, tạo điều kiện để đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng diện tích cây trồng với hàng nghìn ha các loại như lúa hai vụ, cà phê, tiêu, điều, cao su, ngô lai cao sản... đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo mô hình tập trung với số lượng lớn. Bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của bản thân mỗi hộ gia đình, hằng năm chính quyền địa phương còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Phòng NN-PTNT huyện Krông Buk tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp giúp bà con ứng dụng vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện đã thực hiện mô hình trồng lạc xen canh cây điều tại địa phương cho kết quả rất khả quan; địa phương đang khuyến khích các hộ dân trong xã trồng trong rẫy nhà mình…
Từ những thành tựu trên, giờ đây Ea Sin đã khoác trên mình chiếc áo mới: dân cư sống tập trung đông hơn, xây dựng nhiều nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng/người/năm 2010 lên 16,5 triệu đồng/người/năm 2012; nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu chính đáng như hộ anh Hoàng Xuân Nam ở thôn Ea Kring, với khoảng 6ha cà phê, 3 hồ nuôi cá, anh Tô Văn Hải với gia trại nuôi gà hàng trăm con/lứa, anh Hoàng Công Tý ở thôn Ea Mi với 3ha cà phê, 5ha cao su và 5 ha tiêu… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ nhờ phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi.
Thuận Nguyễn - Lê Văn - Lê Thành
Ý kiến bạn đọc