Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học: Giải pháp hữu hiệu cho hộ chăn nuôi

16:39, 20/03/2013

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu cho chăn nuôi nông hộ, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường.

Để giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng ATSH, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi ở địa phương theo hướng tập trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi gà thịt theo hướng ATSH tại 2 xã Buôn Tría và Dak Phơi (huyện Lak), với 20 hộ nông dân tham gia. Ngoài tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn và thuốc thú y, Trung tâm còn đầu tư 1.000 con gà giống. Sau 2 tháng thực hiện, đàn gà phát triển tương đối đồng đều, trọng lượng trung bình đạt 2,1 kg/con, lợi nhuận thu được bình quân 1 triệu đồng/hộ. Điều đáng mừng ở đây không chỉ về hiệu quả kinh tế mà bà con đã biết vệ sinh, phòng trị bệnh cho đàn gà, hình thành được thói quen vệ sinh chuồng trại, máng ăn, uống... hàng ngày, điều mà trước đây ít nông dân nào thực hiện. Anh Nông Hải Dương, thôn Cao Bằng, xã Dak Phơi bộc bạch: Lần đầu tiên nuôi gà theo hướng ATSH, mặc dù thời gian đầu hơi bỡ ngỡ vì phải thay đổi thói quen chăn nuôi vốn có từ trước. Tuy nhiên, rất mừng là vì chăn nuôi theo hướng này, đàn gà phát triển tốt hơn, lại an tâm về dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Hoa Quỳ, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT), trong kỹ thuật chăn nuôi ATSH, người dân cần chú ý đến nguồn giống phải có xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch; gia cầm mới mua về trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 3 tuần; chuồng gia cầm cần phải thông thoáng, nằm cách ly với nơi ở, nhà chứa thức ăn, khu tiêu hủy phân; có các khu vực chăn nuôi riêng lẻ từng lứa tuổi nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác; vườn thả gia cầm nên có diện tích rộng, có bóng cây mát và xung quanh có rào kín; nguồn nước uống phải bảo đảm sạch sẽ, hợp vệ sinh. Ngoài ra, hàng ngày, người nuôi phải vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi và chuồng nuôi, thay chất độn chuồng bị ẩm ướt định kỳ (khoảng tuần một lần); tổng tẩy uế khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng; gia cầm phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vác-xin, cho uống thuốc phòng bệnh đúng lịch; thức ăn phải đủ dinh dưỡng phù hợp với từng giống, từng giai đoạn nuôi.

Trên thực tế, các mô hình chăn nuôi ATSH được thực hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tập quán chăn nuôi nông hộ, hướng đến phương pháp chăn nuôi bền vững ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, khi nhân rộng mô hình thì gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. Được biết, hiện Cục Chăn nuôi đang trình Bộ NN-PTNT xem xét để trình Thủ tướng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ đổi mới chăn nuôi nông hộ an toàn và bền vững giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó, dự kiến ngân sách nhà nước hỗ trợ 40% lãi suất tiền vay vốn để hộ gia đình, cá nhân mua con giống, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Thời gian hỗ trợ là 5 năm kể từ khi ký hợp đồng tín dụng vay khoản vay đầu tiên... Hy vọng, chính sách này sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Nguyễn Vũ

 


Ý kiến bạn đọc