Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp ngăn chặn tình trạng thất thu thuế: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp

10:28, 01/03/2013

Nhiệm vụ chống thất thu thuế đã được ngành thuế đặt lên hàng đầu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục nhằm mang lại công bằng cho những đối tượng nộp thuế và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Công tác thanh tra kiểm tra thuế được xem là một trong những biện pháp quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế. Theo đánh giá của Cục Thuế, trong năm 2012 việc triển khai thực hiện công tác này đã có những chuyển biến tích cực, toàn ngành đã hoàn thành kiểm tra tại trụ sở hơn 600 doanh nghiệp (DN), đạt 100% chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Qua kiểm tra đã truy thu và xử phạt tổng số tiền khoảng 28 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 6%; ngoài ra còn giảm khấu trừ, giảm lỗ khoảng 33 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành thuế còn tổ chức thanh tra xong đối với 160 DN, tăng 6% so với chỉ tiêu trên giao và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Qua thanh tra, đã truy thu, phạt hành chính 26 tỷ đồng, tăng so với năm trước khoảng 54%; giảm lỗ, giảm khấu trừ và xuất toán khỏi chi phí năm sau khoảng 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, thanh tra thuế chưa theo kịp yêu cầu, chưa ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gian lận, trốn thuế. Thực tế cho thấy, thất thu thuế vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là thuế thu nhập DN đối với khối DN ngoài quốc doanh, nhất là lĩnh vực kinh doanh nông sản, dịch vụ vận tải, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản… có những trường hợp quy mô kinh doanh lớn nhưng số thuế thu nhập DN đóng góp cho ngân sách hàng năm không đáng kể. Không ít trường hợp chưa phản ánh đúng chi phí phát sinh, như: DN kinh doanh nông sản lập bảng kê thu mua hàng nông thủy sản, xây dựng định mức lương cao nhưng thực tế chi trả khống; xây dựng định mức nguyên, nhiên vật liệu cao nhưng thực tế các khoản chi phí này không phát sinh… không chỉ làm giảm số thuế thu nhập DN phải nộp mà còn “mở đường” cho tình trạng mua bán hóa đơn lòng vòng nhằm hợp thức hóa các khoản chi phí. Cũng có trường hợp, DN có doanh số phát sinh lớn nhưng số thuế kê khai và nộp ngân sách lại rất thấp, thậm chí kê khai VAT đầu ra chỉ xấp xỉ đầu vào hoặc thấp hơn (lỗ). Nghiêm trọng hơn, trong thời gian gần đây còn nảy sinh tình trạng một số DN lợi dụng chính sách gia hạn thuế thông qua việc mua bán hàng hóa số lượng lớn trong thời gian chính sách gia hạn có hiệu lực, khi đến hạn nộp thuế thì bỏ trốn, mang theo khoản tiền nợ thuế không nhỏ. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở lĩnh vực mua bán nông sản, đặc biệt là mặt hàng cà phê.
Khai thác khoáng sản được đánh giá là một trong những ngành có thất thu thuế lớn.
Khai thác khoáng sản được đánh giá là một trong những ngành có thất thu thuế lớn.

Thực trạng này đặt ra vấn đề là ngành thuế cần có biện pháp quản lý, thanh, kiểm tra để phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm một cách hiệu quả hơn. Theo ý kiến của một số DN, việc thanh, kiểm tra nên triển khai theo chuyên đề, chuyên sâu và tập trung vào các DN có dấu hiệu giao dịch liên kết, chuyển giá, kinh doanh lỗ nhưng liên tục mở rộng quy mô kinh doanh, có số nợ thuế lớn, nhiều năm chưa được thanh, kiểm tra, được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế… Trong đó, cần coi trọng công tác lập kế hoạch thanh, kiểm tra thuế, mà trọng tâm là phải có sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành với nhau trong cập nhật, kết xuất dữ liệu để phục vụ cho công tác đánh giá rủi ro. Ngoài ra, cần thường xuyên rà soát thông tin khai thuế của DN để kịp thời phát hiện và đưa ra dấu hiệu cảnh báo đối với DN có rủi ro cao về thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến công tác cán bộ trong ngành, bởi có dư luận cho rằng cán bộ thuế thông đồng, nhận làm “giúp” sổ sách kế toán cho DN. Nếu thật sự có tình trạng này thì việc thanh, kiểm tra thuế sẽ dễ rơi vào thế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hoặc nể nang, khó đạt kết quả cao.

 Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc