Hạn chế tình trạng tăng giá sữa không hợp lý: Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Từ sau Tết Nguyên đán, các hãng sữa nội và ngoại đều đồng loạt tăng giá, trung bình từ 5 đến 10% khiến không ít người tiêu dùng (NTD) tỏ ra lo lắng!
Khách hàng “đau đầu” với giá sữa tăng
Theo ghi nhận tại các đại lý bán sữa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột: hầu hết các sản phẩm sữa dành cho trẻ em, bà bầu, người già, của các hãng sữa ngoại và nội đều tăng mạnh. Với các hãng sữa nội như: Vinamilk tăng 7-10% (tức khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/ hộp), còn với những hãng sữa ngoại như: Abbott, Enfa, Friso, X.O, Dumex… cũng áp dụng tăng giá bán với mức tăng khoảng 10% so với trước. Các sản phẩm Dumex Gold tăng từ 8,5 đến 9%, sữa Abbott tăng giá với biên độ điều chỉnh từ 2% đến 9% tùy sản phẩm từ đầu tháng 3 này (sữa Similac Mom 400g tăng lên 205.000 đồng/hộp, Pediasure 1,7 kg tăng lên 981.000 đồng/hộp). Theo nhiều NTD thì với mức tăng hiện nay, mỗi hộp sữa ngoại NTD phải trả thêm từ 30.000 đến 65.000 đồng/ hộp. Một đại lý kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: dù nhiều hãng sữa điều chỉnh giá tăng nhưng sức mua các mặt hàng này vẫn không giảm, và trước mỗi đợt tăng giá lại rất khó lấy hàng. Riêng các hãng sữa không áp dụng tăng giá thì lại cắt giảm các khoản chiết khấu, khuyến mãi, nên tiểu thương phải bán với giá cao hơn để kiếm lời.
Chọn mua sữa tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. |
Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng đã áp dụng bảng giá mới cho mặt hàng sữa Vinamilk, Abbot, Anpha, Friso với mức tăng từ 5% đến 10% với lý do nhà sản xuất thay đổi mẫu mã, nâng cấp công thức và cắt giảm chiết khấu.
Việc giá sữa tăng bất thường làm chi phí sinh hoạt hàng tháng của các hộ gia đình tăng lên, khiến nhiều người “đau đầu” với việc tính toán, chi tiêu sao cho hợp lý. Chị Hường (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, giá sữa tăng liên tục khiến việc chi tiêu của gia đình chị càng thêm khó khăn hơn. Đi các cửa hàng bán sữa, hãng nào cũng tăng giá một cách vô tội vạ. Lần trước mua một hộp sữa Pedia Sure 900g của hãng Aobott 410.000 đồng, thì nay đã tăng lên 492.000 đồng; hộp Similac mum loại 400g cũng tăng vọt từ 116.000 đồng lên 138.000 đồng. Trong khi đó, nếu khoản khác thì có thể cắt giảm, chứ sữa cho con thì không thể cắt, nên vợ chồng chị phải tính toán thật kỹ, cân nhắc trước các khoản chi tiêu để dành tiền mua sữa.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các hãng sữa đồng loạt tăng giá và tăng một cách chóng mặt với nhiều lý do: đổi mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng… và NTD là đối tượng phải gánh chịu các khoản tăng giá này. Cứ mỗi đợt tăng giá, họ phải gắng gượng, dè dặt hơn, thậm chí trở nên khốn khó với các khoản chi tiêu hằng ngày, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ.
Làm gì để quản lý giá sữa?
Giá sữa tăng không chỉ NTD tỏ ra lo lắng mà nhiều đại lý kinh doanh sữa cũng gặp khó khăn, dù đây là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh. Chị Hoa - chủ đại lý bán sữa trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn eMa Thuột) cho hay: sữa tăng giá không chỉ khiến NTD khổ mà đại lý bán lẻ như chị cũng khổ. Nhiều khách hàng cứ thắc mắc tại sao giá sữa tăng cao nhưng thực chất là do nhà sản xuất tăng giá. Hơn nữa, trước mỗi đợt có thông báo tăng giá sữa thì lại rất khó lấy hàng, thậm chí có hãng ngừng sữa cung cấp cả tháng. Điều này khiến nhiều khách hàng quen biết cho rằng chủ đại lý cố tình găm hàng để chờ bán với giá cao hơn, nhưng thực ra chính bản thân chị cũng… không thể hiểu nổi!
Trong khi các hãng sữa ồ ạt tăng giá như hiện nay thì việc quản lý giá sữa lại gặp không ít khó khăn. Theo quy định hiện hành; trước khi tăng giá, các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải được kê khai giá với cơ quan quản lý.Vì vậy, để "lách luật", trên các bao bì mới, các hãng đã bổ sung những cụm từ như "sản phẩm dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung"... Tuy nhiên, thành phần trong hộp sữa không có gì khác so với trước. Lấy lý do không phải sữa bột mà chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung..., các hãng đã tránh được việc phải đăng ký giá với Bộ Tài chính mỗi lần điều chỉnh giá. Việc này khiến cơ quan quản lý không thể kiểm soát được giá, cũng như đánh giá được mức tăng đó có hợp lý hay không để kịp thời can thiệp, xử lý.
Bên cạnh đó, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ sữa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lợi dụng lúc công ty sắp có thông báo tăng giá sữa đã tùy tiện tăng giá trước hoặc cố tình không niêm yết công khai bảng giá. Trước tình trạng đó, để kiểm soát giá sữa hiệu quả, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ quy định cụ thể tại thông tư danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em để các doanh nghiệp kinh doanh sữa thực hiện kê khai giá. Như vậy, sẽ không chỉ sữa bột mà cả các loại sữa nước cũng phải được doanh nghiệp thực kê khai với cơ quan quản lý mỗi lần tăng giá. Cùng với đó, để góp phần bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu lo lắng cho NTD trên địa bàn tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đang tiến hành các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng sữa, thực phẩm trong tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cố tình không niêm yết giá, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc sản phẩm.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc