Multimedia Đọc Báo in

Chợ hơn 30 tỷ bỏ không vì… không có đường vào

11:02, 12/04/2013

 Trong khi hàng trăm tiểu thương và người dân phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột ngày ngày phải buôn bán trong chợ cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, thì khu chợ mới vừa được xây dựng hiện đại, khang trang lại vắng hoe vì… không có đường dẫn vào chợ.

Chợ Tân Hòa (cũ) được xây dựng cách đây hàng chục năm và hiện đã quá tải, xuống cấp trầm trọng. Cứ vào những phiên chợ sáng, trong khu chợ chật chội, các tiểu thương và người dân phải chen chúc buôn bán, các loại hàng hóa bày bán không theo trật tự nào. Các hạng mục chợ đã hư hỏng, quầy hàng chật chội, dột nát gây khó khăn cho việc buôn bán của các chủ hàng. Cũng do bị quá tải khiến việc mua bán tràn ra lòng đường phía sau chợ và trước cổng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, dẫn đến tình trạng mất mỹ quan đô thị, rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường.


   Chợ mới được xây dựng khang trang nhưng đang... bỏ không.
Chợ mới được xây dựng khang trang nhưng đang... bỏ không.

 Cách chợ cũ khoảng 300 mét là chợ mới được xây dựng to, đẹp nhưng lại đang bị bỏ không. Chợ Tân Hòa mới do Công ty TNHH Nhân Phú đầu tư xây dựng trên diện tích 1,5 ha với tổng số vốn 31 tỷ đồng. Chợ đã hoàn thành và có thể hoạt động theo tiêu chuẩn chợ loại 1, với hơn 400 ki ốt phục vụ việc buôn bán, được chia thành 3 khu vực. Chợ mới có đầy đủ kho chứa hàng hóa, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại. Chủ đầu tư công trình cho biết: theo cam kết với UBND tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột, chợ hoàn thành vào tháng 12-2012 để phục vụ việc mua bán, giao thương của người dân địa phương. Hiện tại đã có 170 tiểu thương đăng ký thuê quầy hàng và đã đặt cọc 30% tiền thuê; phía chủ đầu tư cũng chủ trương khuyến khích và không thu tiền thuê đối với người buôn bán nhỏ lẻ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vào chợ buôn bán. Thế nhưng đến nay chợ vẫn… vắng hoe.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do không có đường nối từ quốc lộ 26 vào chợ. Dự án này đã được phê duyệt, UBND TP. Buôn Ma Thuột giao cho phường Tân Hòa làm chủ đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con đường này vẫn chưa triển khai được vì phải điều chỉnh thiết kế, và quan trọng nhất là vướng phải công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, ngày 4-1-2013, UBND TP. Buôn Ma Thuột có Quyết định số 12/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ thi công công trình. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 6/25 thuộc diện bị thu hồi đất đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Trước tình trạng đường chậm thi công khiến chợ không thể hoạt động, Công ty TNHH Nhân Phú đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền phường, thành phố và các ngành chức năng sớm làm đường để phục vụ việc buôn bán của tiểu thương và người dân địa phương. Mới đây nhất, ngày 4-4-2013, UBND TP. Buôn Ma Thuột có thông báo (lần cuối) số 65/TB-UBND yêu cầu các hộ dân thuộc diện giải tỏa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và khẩn trương di dời toàn bộ tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm nhất trước ngày 10-4-2013. Vậy nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có hộ dân nào thực hiện chỉ đạo trên, và UBND thành phố đã có kế hoạch cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định. Ông Phạm Ngọc Bội, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Phú bức xúc: “Chúng tôi phải thuê đất của người dân để đi lại, vận chuyển vật liệu xây dựng công trình. Một khi chợ không thể hoạt động thì không thu được lợi nhuận, trong khi đơn vị phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng 100 – 200 triệu đồng”.

Một cái chợ hàng chục tỷ đồng không thể hoạt động khiến chủ đầu tư lâm vào cảnh điêu đứng, trong khi người dân không có nơi buôn bán. Rất mong chính quyền và các ngành chức năng sớm tháo gỡ điều bất cập này!

Minh Thông – Đặng Bé


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.