ĐẠI HỘI NÔNG DÂN TỈNH DAK LAK LẦN THỨ VIII (NHIỆM KỲ 2013-2018)
Phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong xây dựng nông thôn mới
Năng động, sáng tạo, tự chủ là những nét nổi bật của nông dân Dak Lak trong lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp... Đó cũng là những đóng góp thiết thực vào thành quả chung trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, phát huy được vao trò làm chủ của nông dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của hội viên nông dân xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Tham gia phát triển kinh tế
Xác định nông dân là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, là chủ thể trong XDNTM, những năm qua các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Các cấp hội đã dựa trên yêu cầu thực tiễn, thế mạnh của địa phương nhằm lựa chọn, ưu tiên những tiêu chí cần thực hiện trước như: vệ sinh môi trường, dạy nghề cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa gắn với phong trào XDNTM. Nổi bật nhất phải kể đến là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), được xem là động lực để hội viên, nông dân tham gia có hiệu quả chương trình XDNTM. Hằng năm, Hội đã vận động hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG; phổ biến và nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, các cấp hội còn mở rộng hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, tạo ra động lực mới thúc đẩy phong trào thi SXKDG phát triển. Trung bình mỗi năm, phong trào đã thu hút 139.000 hộ nông dân đăng ký danh hiệu SXKDG, qua bình xét có từ 65.300 đến 68.500 hộ đạt danh hiệu này ở các cấp, chiếm gần 50% so với tổng số hộ đăng ký, tăng so với nhiệm kỳ trước là 10.020 hộ. Như vậy, hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp tăng bình quân 5%/năm, đặc biệt số hộ đạt mức thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm chiếm trên 10%.
Song song với hoạt động thi đua SXKDG, các hội viên, nông dân còn tích cực tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở như: tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, công lao động, nguyên vật liệu để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi... Theo đó, trung bình mỗi năm có 3.301 km đường, 521 km kênh mương nội đồng, 81 công trình cầu, cống, hồ, đập nhỏ được tu sửa thường xuyên và một số công trình được nâng cấp, với số tiền nông dân đóng góp là 22,9 tỷ đồng, 192.676 công lao động và hiến 12,5 ha đất. Kết quả trên đã tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của nông dân trong XDNTM. Đặc biệt, các phong trào thi đua Hội nông dân phát động đã góp phần tập hợp thu hút đông đảo nông dân vào Hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Mặt khác, đóng góp của hội viên, nông dân đã phát huy được vai trò chủ thể của nông dân cùng với chính quyền địa phương cải thiện tình hình cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của ngày càng cao ở địa phương.
Góp phần giữ gìn trật tự
an toàn xã hội
Giữ vững an ninh trật tự nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong XDNTM. Nhận thức rõ điều này, hàng năm Hội nông dân tỉnh đều xây dựng kế hoạch và cùng với lực lượng công an tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhiều đợt tuyên truyền về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, về âm mưu “Diễn biến hòa bình” trong tình hình hiện nay… Theo đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục hội viên nông dân chấp hành đúng pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại địa phương trở thành người tốt có ích cho gia đình và xã hội. Công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã được các cấp hội trong tỉnh lồng ghép thực hiện với các phong trào thi đua như: NDSXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng; xây dựng gia đình nông dân, xây dưng thôn, buôn, khu phố văn hóa; tham gia tích cực vào phong trào đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, hội nông dân các cấp còn kết hợp việc giáo dục con em nông dân không vi phạm pháp luật với định hướng việc làm, dạy nghề cho họ… Trong những năm qua, hội đã phối hợp với công an tổ chức được 37 lớp tập huấn về tuyền truyền, phòng chống tội phạm, ma túy cho 2.960 lượt cán bộ hội cơ sở, 5.310 buổi tuyên truyền, phổ biến về xây dựng gia đình nông dân văn hóa; thôn, buôn, khu phố văn hóa lồng ghép với chương trình phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho 292.050 lượt nông dân. Hội viên nông dân đã cung cấp cho cơ quan công an, chính quyền địa phương hàng trăm nguồn tin có giá trị; tham gia phát hiện, bắt giữ đối tượng phạm pháp, tham mưu cho chi bộ thôn thành lập tổ an ninh tuần tra ban đêm, vận động thanh niên là con em hội viên nông dân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương tham gia lực lượng dân quân tự vệ; phối hợp xử lý các vụ mâu thuẫn trong nông dân.
Những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, trong bảo vệ trật tự, an toàn xã hội… đã góp phần thay đổi diện mạo những vùng quê. Đặc biệt việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương đã giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Bình quân hàng năm có 161.079 hộ gia đình nông dân đạt gia đình văn hóa, chiếm 60,9% tổng số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa trong toàn tỉnh, tăng 8% so với năm 2007. Số thôn, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chiếm 44,6% tăng 19,2 % so với năm 2007.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc