Multimedia Đọc Báo in

Đầu ra cho gỗ rừng trồng gặp khó

09:17, 10/04/2013

Trong những năm qua, Dak Lak có nhiều nỗ lực trong huy động các nguồn vốn để đầu tư trồng rừng. Thế nhưng hiện nay, hàng nghìn ha rừng trồng trên địa bàn tỉnh đã đến tuổi khai thác mà chưa tìm được đầu ra, dẫn tới nguy cơ phải bán lâm sản với giá thấp hơn giá thành sản xuất ra ngoài tỉnh.


Thu  hoạch gỗ rừng trồng  ở huyện M’Drak
Thu hoạch gỗ rừng trồng ở huyện M’Drak.

Huyện M’Drak nổi lên như một điểm sáng về trồng rừng ở Dak Lak cũng bởi đất đai ở địa phương này quá cằn cỗi, không phù hợp cho phát triển sản xuất các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su và hồ tiêu. Ông Vũ Hữu Nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy M’Drak cho biết, huyện M’Drak có thế mạnh về trồng rừng: quỹ đất và nguồn lao động tại chỗ, nên công tác trồng rừng được đẩy mạnh từ năm 2008 đến nay với các chương trình như 327, 661 và Dự án Flitch – Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên. Kết quả trong quãng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, toàn huyện đã trồng được hơn 9.000 ha rừng, với các loại cây chủ yếu: sao, bạch đàn cao sản, muồng đen, keo. Về cơ bản, đến năm 2013 huyện M’Drak đã phủ xanh đất trống, đồi trọc, quỹ đất cho trồng rừng còn không đáng kể. Công việc cần làm hiện nay là lo đầu ra cho diện tích rừng đã đến kỳ khai thác lâm sản.

Được biết, từ năm 2010 rừng trồng ở M’Drak đã bắt đầu cho khai thác. Cụ thể, năm 2010 khai thác 63.000 m3, năm 2011 khai thác 30.900 m3 và năm 2012 khai thác 86.000 m3. Do trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến lâm sản từ nguyên liệu rừng trồng nên phần lớn lượng gỗ khai thác phải xuất bán ra ngoại tỉnh, với chi phí vận chuyển khá cao, làm cho giá bán gỗ cây thấp; người trồng rừng chỉ lấy công làm lãi. Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả các chương trình trồng rừng, ông Vũ Hữu Nhân khẳng định: “Cái lợi lớn nhất là về môi trường. Nhờ các chương trình trồng rừng mà M’Drak nâng được tỷ lệ độ che phủ từ 49,2% năm 2008 lên 52% vào năm 2012. Việc trồng rừng còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo. Toàn huyện M’Drak có dân số 70.000 người, thì hơn 70% dân sống bằng nghề nông – lâm nghiệp, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo còn 24%.


Một khoảnh rừng trồng ở xã Ea Mđoal, huyện M’Drak.
Một khoảnh rừng trồng ở xã Ea Mđoal, huyện M’Drak.

 

Tìm hiểu công tác trồng rừng ở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak được biết, Công ty hiện đang quản lý 25.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 15.000 ha rừng tự nhiên. Trong những năm qua, đơn vị đã trồng được 3.000 ha rừng, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng trồng toàn huyện M’Drak. Cái khó của rừng trồng hiện nay là vấn đề tiêu thụ, giá quá thấp. Cụ thể năm 2012, đơn vị khai thác được gần 10.000 m3 gỗ keo, xuất bán với giá 400.000 đồng/ster đôi. Bình quân mỗi ha rừng trồng loại tốt khai thác được 60-80 ster đôi, sẽ thu được từ 24-32 triệu đồng. Nếu là rừng xấu, sản lượng gỗ chỉ đạt 40 ster đôi, thì chỉ thu được 16 triệu đồng/ha. Nhẩm tính sau từ 7-10 năm cho chu kỳ từ khi trồng đến thời điểm khai thác, nếu là doanh nghiệp sẽ chi phí 22-25 triệu đồng/ha, còn người dân chi 15-17 triệu đồng/ha, thì rõ ràng về hiệu quả kinh tế của rừng trồng thấp, thậm chí nếu là rừng chất lượng kém thì thu không đủ bù chi. Cũng vì giá bán quá thấp mà nhiều cánh rừng trồng ở tỉnh ta hiện nay đã quá chu kỳ (hơn 10 năm) người trồng không mặn mà với việc khai thác sản phẩm.

Tính đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 84.000 ha rừng, trong đó hàng chục nghìn ha đã đến kỳ khai thác; trong khi trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến lâm sản có công suất đủ lớn để tiêu thụ hết sản phẩm. Vì vậy phần lớn lượng gỗ khai thác từ rừng trồng phải xuất bán ra tỉnh bạn (chủ yếu là Khánh Hòa), khiến cho chi phí vận chuyển cao, kéo giá bán gỗ tại rừng xuống thấp. Ông Lương Vĩnh Linh, Giám đốc Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” tỉnh Dak Lak cho biết, chỉ riêng dự án này từ năm 2007-2014 sẽ hỗ trợ kinh phí trồng 3.862 ha rừng sản xuất và 1.100 ha rừng phòng hộ; tổ chức giao khoán bảo vệ hơn 334.000 ha rừng cho hộ gia đình cộng đồng và các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, với tổng kinh phí đầu tư 11,64 triệu USD. Cũng theo ông Linh, một dự án quy mô lớn như Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” được triển khai tại 60 xã thuộc 22 huyện của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng và Phú Yên, với mục tiêu quy hoạch 60.000 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng thương mại, trồng mới 30.000 ha, khoanh nuôi tái sinh 14.000 ha… nhưng cũng không tính đến đầu ra cho sản phẩm rừng trồng thương mại. Theo tính toán chỉ với diện tích rừng trồng thương mại hiện có ở tỉnh Dak Lak, để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có công suất 400.000-500.000 m3 gỗ/năm.

Không có nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn, thì đầu ra cho sản phẩm rừng trồng thương mại ở tỉnh ta sẽ còn bế tắc và người trồng rừng còn gặp khó. Trồng rừng có ý nghĩa rất lớn về môi trường sinh thái; việc tổ chức triển khai thực hiện vốn đã tốn kém rất nhiều công sức và kinh phí, nhưng vấn đề sau trồng rừng (tức là khai thác kinh tế rừng) lại chưa được tính đến, chắc chắn gây tác động tiêu cực đến chương trình và kế hoạch trồng rừng những năm tới đây.

 Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.