Gạo thơm Krông Ana và triển vọng về một thương hiệu
Krông Ana là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh. Phù sa dòng Krông Ana đã tạo nên những cánh đồng lúa bao la mang lại hạt gạo thơm ngon và cuộc sống trù phú cho người dân nơi đây. Nhằm nâng cao giá trị cho lúa gạo vùng đất này, huyện đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho “Gạo thơm Krông Ana” để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đổi thay nhờ cây lúa
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên, tỉnh Dak Lak có chủ trương khai hoang những vùng đất giàu tiềm năng nhưng đang “ngủ yên”, trong đó có khu vực chiêm trũng Buôn Trấp cạnh dòng Krông Ana hùng vĩ. Với những lợi thế về đất đai, thủy lợi, người dân các địa phương khác cũng đã đến đây khai khẩn đất hoang để trồng lúa đã khiến vùng này “thức giấc” và dần hình thành nên một vựa lúa lớn với những cánh đồng thẳng cánh cò bay.
Thu hoạch lúa đông xuân trên cánh đồng Buôn Trấp. |
Vụ đông xuân năm nay, huyện Krông Ana canh tác hơn 5.000 ha lúa nước bằng các giống lúa chất lượng cao như: HT1, OM 2517, OMCS 2000, VND 95-19 và ML 48. Đến thời điểm này, các địa phương đã thu hoạch được khoảng hơn 30% diện tích, năng suất ước đạt trên 7 tấn/ha. Đi dọc qua các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmal những ngày này, những cánh đồng lúa đã chín vàng, tiếng máy gặt rộn ràng liên tục, các sân phơi đầy ắp lúa. Xã Bình Hòa là địa phương trọng điểm trồng lúa của huyện với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 7.000 tấn. Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã cho biết: trong đợt hạn hán vừa qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn, nên hầu như toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn không bị thiệt hại, năng suất đạt 9 – 12 tấn/ha. Trên cánh đồng lúa thôn 6 – vùng đất lúa lớn nhất của xã, bà con nông dân đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để thu hoạch. Lúi húi xếp những bao lúa đã gặt xong lên xe, chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Nhà làm 3ha lúa nhưng mới gặt được mấy sào. Nhìn bông lúa trĩu nặng, vác bao lúa lên vai cũng thấy nặng trĩu là biết năm nay được mùa!”
Trước đây, các diện tích lúa ở Krông Ana chủ yếu chỉ sản xuất được 1 vụ do ảnh hưởng của lũ lụt và hạn hán khiến năng suất thấp, bấp bênh. Nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để chủ động trong tưới, tiêu nên nhiều địa phương đã trồng được lúa 2 vụ với năng suất cao, ổn định. Công trình đê bao Quảng Điền (đã hoàn thành giai đoạn 1) sau 3 năm đưa vào sử dụng, đã giúp người trồng lúa ở các vùng dưới chân đê không còn thấp thỏm lo mỗi mùa lũ về. Với chiều dài 35 km, công trình này đã giúp người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi lũ sông Krông Na ổn định cuộc sống nhờ trồng lúa, góp phần tạo nên vựa lúa của huyện với năng suất 7 tấn/ha, đưa Krông Ana gia nhập Câu lạc bộ triệu tấn lương thực của tỉnh và đem đến cuộc sống no ấm cho người nông dân nơi đây. Ông Phan Đức Nhã, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết: để nâng cao chất lượng lúa gạo, bên cạnh vấn đề thủy lợi, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa các bộ giống lúa mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào các địa phương có tiềm năng về trồng lúa nước; đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thời điểm gần thu hoạch…
Con đường xây dựng thương hiệu
Vụ đông xuân năm nay tuy được mùa nhưng người trồng lúa Krông Ana không được hưởng niềm vui trọn vẹn do giá bán lúa thấp. Theo phản ánh của bà con nông dân ở đây, mặc dù sản lượng lúa thu hoạch mới chỉ đạt 1/3 diện tích nhưng giá bán chỉ khoảng 5.000 – 5.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6.500/kg). Anh Nguyễn Văn Tưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) cho biết: có một nghịch lý tại thời điểm này là các thương lái mua nhiều lúa ngang (lúa xấu, có lẫn hạt lép để làm thức ăn cho gia súc), chỉ mua rất ít lúa chất lượng tốt. Trong khi chi phí đầu tư cho mỗi ha lúa khoảng 30 triệu đồng, mà giá bán không tương xứng, nên người nông dân chẳng lãi bao nhiêu. Đó chính là sự bấp bênh trong sản xuất của người trồng lúa ở đây bởi cái điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại mà chưa có lối thoát.
Bên cạnh đó, giống lúa thơm được trồng phổ biến ở các địa phương tại huyện Krông Ana sau khi thu hoạch được một số đại lý thu mua rồi chế biến và đem gạo bán đi ở các địa phương khác. Các nhà máy xay xát trên vùng lúa này bình quân mỗi ngày có thể xuất ra thị trường hàng trăm tấn gạo, trong đó riêng tại xã Bình Hòa có 4 nhà máy xay xát công suất 50 tấn/ngày. Gạo ở đây có ưu điểm là thơm, ngon, dẻo nhưng khi đưa ra thị trường lại bán giá thấp hơn so với một số loại gạo khác cùng chất lượng do chưa có thương hiệu. Anh Nguyễn Văn Hương (thôn 2, xã Quảng Điền) đã đầu tư máy xay xát công suất 6 tấn lúa/giờ, mỗi ngày xưởng của anh cho ra lò khoảng 50 tấn gạo và xuất ra thị trường nội tỉnh và khu vực Nam Trung bộ 25 tấn. Tuy nhiên, anh cho biết mặc dù chất lượng gạo tốt, được đóng bao, có tên trên bao bì nhưng giá cả của gạo thơm sản xuất tại đây vẫn bán giá thấp hơn các loại khác. Thậm chí, theo những người kinh doanh gạo ở đây thì một số doanh nghiệp ngoại tỉnh mua gạo thơm Krông Ana rồi đóng bao và đề tên loại gạo khác mang bán với giá cao hơn nhiều.
Hai hiện tượng trên cho thấy gạo thơm Krông Ana bị lép vế, o ép, đánh tráo trên thị trường dẫn đến những thiệt thòi cho người nông dân một nắng hai sương làm nên sản phẩm. Nguyên nhân là do loại gạo này chưa có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường. Nhận thức được điều này, huyện Krông Ana đang có kế hoạch “đặt tên” cho hạt gạo vùng này. Cụ thể, năm 2012, chính quyền xã Bình Hòa đã có tờ trình với huyện cho chủ trương lập thương hiệu gạo thơm với vùng sản xuất trọng điểm là cánh đồng thôn 6. Hiện tại, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã đăng ký với tỉnh để lập Dự án xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Krông Ana” tại xã Bình Hòa. Đây là tín hiệu vui với người nông dân nơi đây, bởi khi có thương hiệu, hạt gạo của bà con sẽ có giá trị hơn nhiều, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao cuộc sống của những người trồng lúa.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc