Giá xăng tăng cao: Doanh nghiệp, nông dân đều lao đao
Giá xăng dầu hiện đang ở mức cao so với trước đây. Tại Dak Lak, điều này đang khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải và nông dân trở nên lao đao hơn bao giờ hết.
Giá xăng dầu tăng cao, trong khi lượng khách ngày càng giảm, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. |
DN vận tải gồng mình giữ giá
Việc giá xăng tăng cao khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Chị Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Dak Lak Taxi cho hay, việc giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của công ty, việc thu - chi bắt đầu trở nên mất cân đối và có chiều hướng đi xuống, bởi một điều mà lâu nay hầu hết các DN kinh doanh vận chuyển trong tỉnh đều gặp phải là số lượng hành khách đi taxi, xe khách, xe buýt đang ngày càng giảm mạnh. Riêng đơn vị của chị, nếu như năm 2010, mỗi ngày bình quân có khoảng 500 lượt khách gọi tới tổng đài của công ty để yêu cầu xe thì đến nay chỉ còn khoảng 100 - 150 lượt, từ đó, kéo theo doanh thu của Công ty cũng bị giảm đi rất lớn. Trước hết là về phía tài xế taxi (người được Công ty giao xe, hoặc có xe riêng nhưng tham gia liên kết), họ phải tự bỏ chi phí của mình để đổ xăng, đón đưa và tìm khách, còn phía Công ty chỉ quản lý về mặt đầu mối tổng đài điện thoại điều động xe mỗi khi có khách gọi tới, số ki-lô-mét chở khách được đo đếm mỗi đầu xe/ngày theo đúng giá quy định và tiền thuế… khi tài xế giao trả xe mỗi ngày, phải đóng nộp các khoản phí nhất định cho Công ty, phần lãi còn lại họ được hưởng coi như tiền lương. Việc tăng giá xăng lần này khiến mỗi tài xế phải bỏ thêm khoản chi phí lớn từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày/xe, thâm hụt trực tiếp vào túi tiền của họ. Anh Trần Mạnh Hùng, một tài xế xe taxi cho hay, trước đây, mỗi ngày trung bình anh chở khoảng 15 - 25 lượt khách, trong đó số hành khách bắt dọc đường (không gọi qua tổng đài điện thoại của công ty) là khoảng 50%, thu nhập bình quân sau khi trừ các khoản chi phí xăng xe, nộp lệ phí quản lý cho công ty… cũng còn lại 800 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày, nhưng từ năm 2012 đến nay nhu cầu của khách đi taxi giảm hẳn, mỗi ngày cũng chỉ đón được 5 - 8 lượt khách, thu nhập giảm còn 2 - 3 trăm nghìn đồng/ngày. Hiện nay, giá xăng tăng cao, chi phí cho xe dạo bắt khách lại tốn thêm khoảng 1 - 2 trăm nghìn/ngày, nhiều hôm không đón được khách anh Hùng còn phải bỏ tiền túi để trả các khoản chi phí quản lý cho Công ty. Thực tế này được chị Yến chia sẻ: “Hiện nay DN của tôi đang quản lý trên 100 đầu xe taxi, tuy nhiên, những ngày gần đây đã có một số tài xế làm đơn xin nghỉ việc tạm thời do việc lái xe không hiệu quả, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì đơn vị chỉ còn cách duy nhất là làm thủ tục xin giải thể”.
Giá xăng tăng cao, nhu cầu đi lại của hành khách giảm khiến nghề lái taxi gần như làm không công. |
Tình trạng khó khăn này không riêng gì các hãng xe Taxi mà hầu hết các doanh nghiệp vận chuyển khác trong tỉnh như xe khách tuyến đường dài, xe buýt cũng cùng chung cảnh ngộ, hiện nay hầu hết các hãng xe đang cố gắng cầm cự giá cước cũ để giữ khách, cũng như tăng tính cạnh tranh với nhau. Theo nhận định của ông Khổng Mạnh Võ, Giám đốc Công ty TNHH Taxi Quyết Tiến thì các đơn vị kinh doanh vận chuyển, vận tải đang thương lượng với nhau và đề xuất lên cơ quan chức năng tỉnh thống nhất tăng giá cước vận chuyển lên mức phù hợp hơn với thực tế hiện nay.
Nông dân đau đầu vì giá dầu
Giờ đây, chi phí mua dầu diesel chạy máy bơm tưới nước cho cây trồng đang trở thành gánh nặng cho người nông dân. |
Thời điểm này đang là giai đoạn cuối mùa khô Tây Nguyên. Mặc dù những ngày gần đây đã xuất hiện mưa rải rác tại một số nơi, song tình hình hạn hán chung trên toàn tỉnh vẫn còn kéo dài và gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Bà con nông dân giờ đây đang phải gồng mình chống hạn, tìm đủ mọi cách như đào, khoan thêm giếng dưới lòng hồ đã cạn, tận dụng nguồn nước ít ỏi từ các ao, hồ của gia đình, đồng thời, huy động hết những máy bơm động cơ chạy dầu để cứu cây trồng (bởi nguồn điện lưới không đủ để đáp ứng nhu cầu bơm tưới nước nói trên). Trong khi đó, giá dầu diesel những ngày gần đây cũng tăng trên 22.000 đồng/lít, khiến nông dân không khỏi lo ngại do chi phí bơm tưới nước tăng vọt, nhiều hộ không có vốn phải vay nợ lãi để mua dầu chạy máy.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến ngày 8-4-2013, toàn tỉnh đã có trên 34.000 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó có khoảng 8.650 ha lúa, trên 25.000 ha cà phê và hoa màu khác…) như vậy, việc bơm tưới nước cứu cây trồng đang là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay. Đối với phần lớn diện tích cà phê trong tỉnh hiện đang cần một lượng nước tưới khá cao để cây đủ sức nuôi trái, tránh rụng quả, nếu không kịp thời cây trồng rất có nguy cơ bị chết cháy. Chị Lê Thị Thu ở xã Ea Phê (huyện Krông Pak) cho biết, mỗi héc-ta cà phê bình thường bà con chỉ phải tưới khoảng 200 - 300 lít nước/gốc, nhưng do hạn hán kéo dài, lượng nước trên bề mặt đất bốc hơi nhiều, cây cà phê bị thiếu hụt nước nghiêm trọng nên cần phải tưới bổ sung lượng nước nhiều hơn để bù đắp lại, bình quân khoảng 400 - 500 lít/gốc. Gia đình chị có 2 ha cà phê, những ngày đầu mùa khô (khoảng tháng 11 năm ngoái) chị chỉ phải đầu tư chi phí mua dầu phục vụ nhu cầu tưới với mức khoảng 5 - 6 triệu/ha, nhưng đến nay phải chi phí trên 10 triệu/ha mới đủ cho một đợt tưới nước bổ sung. Còn đối với cây lúa và hoa màu khác thì chi phí bơm tưới nước cũng khá tốn kém.
Trước thực trạng trên, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trong việc phòng chống hạn cho cây trồng, cụ thể nhất là hỗ trợ kinh phí xăng dầu và máy bơm nước để bà con chống hạn. Tại huyện Krông Pak, chính quyền huyện đang tập trung hỗ trợ chi phí mua dầu và máy bơm dã chiến để giúp người dân chống hạn, với tổng chi phí dự kiến khoảng 582 triệu đồng, trong đó, chi phí dầu là gần 512 triệu đồng và mua máy bơm khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện thì chi phí trên có thể sẽ tăng thêm bởi hiện nay giá xăng dầu đã tăng cao hơn so với dự kiến trước đây, kéo theo nhiều mặt hàng liên quan khác cũng tăng giá. Còn tại huyện Krông Bông, hiện đã thống kê có khoảng hơn 900 ha cây trồng bị khô hạn, vừa qua, UBND huyện đã ra quyết định trích kinh phí từ Quỹ Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện với số tiền 500 triệu đồng để hỗ trợ bà con mua máy bơm, dầu diesel để bơm nước tại các hồ, đập còn nước để cứu cây trồng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc