Multimedia Đọc Báo in

Gian nan đưa rau an toàn đến tay người tiêu dùng

15:15, 27/04/2013

Việc sử dụng rau an toàn (RAT) đang ngày càng trở thành nhu cầu thường này đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các vùng chuyên canh RAT trên địa bàn tỉnh đang phải đau đầu với bài toán đầu ra cho sản phẩm, trong khi đại đa số người tiêu dùng lại khó tiếp cận được rau đảm bảo chất lượng.

Khó cạnh tranh

Hàng năm Dak Lak có hơn 8.000 ha trồng rau các loại với sản lượng gần 130 nghìn tấn, trong đó rau sản xuất theo hướng an toàn chiếm tỷ lệ rất thấp. So về mức độ sạch thì RAT chiếm ưu thế hơn, vì được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường với số lượng ít hơn, nhưng lại không cạnh tranh nổi với các loại rau không rõ nguồn gốc khác. Thị trường tiêu thụ hiện nay của RAT chủ yếu bán cho thương lái nhỏ lẻ, chiếm 65-70% lượng rau quả sản xuất được, phần còn lại cung cấp cho thị trường thông qua chợ đầu mối từ 25-30% với giá ngang với rau sản xuất thông thường; lượng rau vào nhà hàng, siêu thị với giá cao hơn còn rất thấp, chỉ 3-5%. Điều này cho thấy chuỗi sản xuất RAT ở Dak Lak đang bí đầu ra và chưa tìm được chiến lược thương mại dài lâu.

Vườn rau an toàn tại xã Ea Ô (huyện Ea Kar).
Vườn rau an toàn tại xã Ea Ô (huyện Ea Kar).

Một trong những nguyên nhân khiến RAT khó cạnh tranh với rau sản xuất bình thường là do thiếu thông tin đến người tiêu dùng, vì trên thực tế rau có được sản xuất an toàn hay không rất khó kiểm chứng, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa rau sản xuất thông thường với RAT; phần lớn họ chỉ phân biệt, nhận diện được RAT qua các hệ thống bán lẻ có các chứng nhận tiêu chuẩn cụ thể. Bên cạnh đó, việc quảng bá các điểm bán RAT tại các chợ để người tiêu dùng biết hầu như chưa có. Do vậy, thiếu thông tin từ nhà sản xuất đến người nội trợ là một trong những rào cản lớn khiến RAT khó đến được tận tay người tiêu dùng. Một rào cản nữa phải kể đến là giá thành của RAT. Trong khi sản lượng rau hàng năm của Dak Lak chỉ mới đáp ứng được dưới 70% nhu cầu của người dân trên địa bàn, còn lại phải nhập từ các vùng khác với hàng tấn rau, củ, quả không rõ nguồn gốc thì trung bình mỗi ngày, các siêu thị đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng chỉ tiêu thụ được trên dưới 3 tạ RAT. Theo lý giải của bà Đinh Thị Lý, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (Cư M’gar): do giá thành sản xuất RAT cao nên giá bán thường cao hơn rau cùng loại bán ngoài chợ từ 1,5 – 2 lần. Do vậy, người tiêu dùng khó có thể thay đổi thói quen mua rau từ những cửa hàng bán RAT thay vì mua từ các chợ truyền thống. Chính vì vậy, để ổn định đầu ra cho sản phẩm và đời sống xã viên, các HTX luôn phải bán RAT ngang giá với rau bình thường (trừ số lương hàng do siêu thị đặt mua).

Tháo gỡ khó khăn

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, việc chưa có phân khúc thị trường cho RAT là do định hướng giá trị ngành hàng thấp, các nhà sản xuất chưa quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm, xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và đặc biệt là việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp. Thêm vào đó, việc sản xuất RAT mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng, chưa có sự kết nối giữa người trồng rau, doanh nghiệp và người tiêu dùng… Đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình sản xuất RAT cho hay: mặc dù rất muốn mở các điểm bán hàng tại các điểm dân cư… để vừa quảng bá, vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều địa phương chưa quan tâm, ủng hộ. Ông Lê Văn Thương, đại diện cho Công ty CP xuất nhập khẩu Hoàng Nguyên (Cư M’gar) chia sẻ: để giải bài toán đầu ra cho RAT, trước hết cần xây dựng hệ thống cửa hàng để quảng bá sản phẩm, đồng thời xúc tiến xây dựng thương hiệu nhằm tạo uy tín đối với khách hàng. Doanh nghiệp phải kết nối được với nông dân để tạo được vùng nguyên liệu đạt chất lượng, ổn định về sản lượng. Để thực hiện được điều này, rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể từ phía nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp mở các hệ thống bán lẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm… Từ góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng rất quan trọng, vì vậy nên xây dựng đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên trong các hội, đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, cựu chiến binh… để tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho cộng đồng dân cư và đưa ra những hướng dẫn, lời khuyên đối với người tiêu dùng…Bên cạnh đó, tỉnh nên ban hành văn bản yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, khách sạn đứng chân trên địa bàn phải sử dụng sản phẩm rau, củ, quả có truy nguyên nguồn gốc. Về phía người sản xuất, cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất RAT theo hướng VietGap để tạo uy tín cho sản phẩm và tranh thủ được sự hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất, xúc tiến thưong mại…

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.