KỶ NIỆM NGÀY HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM (11-4) VÀ 20 NĂM THÀNH LẬP LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH DAK LAK
Gỡ khó cho hợp tác xã
Là một loại hình doanh nghiệp nhưng hợp tác xã (HTX) còn gánh thêm trách nhiệm đối với xã hội không thể "tự bơi" trong cơ chế thị trường hiện nay. Xuất phát từ nhận thức này, trong những năm qua, chính quyền một số địa phương, ngành chức năng đã có những nỗ lực nhất định trong việc tháo gỡ khó khăn cho các HTX.
Khuyến công “tiếp sức” HTX phát triển
Xã viên HTX Mây tre đan – Dệt thổ cẩm Ea Kao sử dụng máy chẻ tre mây do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Dak Lak hỗ trợ. |
Đồng hành cùng các HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên chặng đường phát triển, từ năm 2006 đến nay, thông qua 2 nguồn Quỹ Khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Dak Lak đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để các HTX nâng cao năng lực quản lý, năng lực máy móc thiết bị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thực hiện đổi mới công nghệ… nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng được “tiếp sức” kịp thời, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi công nghệ, đào tạo lao động và đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, thu hút 33 nghìn xã viên, giải quyết việc làm 2.600 lao động thuộc các ngành nghề: dệt thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm. Điển hình như: HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông; HTX Mây tre đan - Dệt thổ cẩm Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột); HTX Mây tre Phú Thịnh (huyện Krông Pak), HTX Tiến Nam (huyện M’ Drak)…Một trong những điều cực kỳ cần thiết mà hoạt động khuyến công đã làm được cho các HTX là đào tạo và xây dựng được nguồn nhân lực có tay nghề, có chất lượng, từng bước giúp HTX tháo gỡ bài toán về chất lượng lao động. Ông Dương Hùng Ba, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Dak Lak cho biết: kinh phí 2 nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ HTX thông qua các chương trình khuyến công đã giúp nhiều ngành nghề truyền thống tại tỉnh vốn bị mai một nay được phục hồi trở lại. Năm 2011 Trung tâm đã giúp xây dựng và phát triển làng nghề sản xuất bánh tráng tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn); là làng nghề truyền thống duy nhất trên địa bàn tỉnh Dak Lak (tính đến thời điểm này). Nhờ nghề làm bánh tráng mà “xóm than” nghèo ngày xưa đã có sự thay đổi lớn, những gia đình chưa có điều kiện tham gia làng nghề bánh tráng cũng có thể tìm việc làm và thu nhập ổn định từ công việc đi bỏ bánh hằng ngày cho các hộ khác. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước tiến tới làm giàu.
Huyện Cư M’gar chú trọng tuyên truyền, xây dựng mô hình HTX điểm
Xã viên HTX dịch vụ Toàn Thịnh thu hoạch cà chua trồng theo tiêu chuẩn an toàn. |
Nhằm “xốc” lại hoạt động của các HTX, huyện Cư M’gar đã tập trung thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ là giải thể các HTX tồn tại hình thức và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng các mô hình HTX điển hình tiên tiến. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng lưới truyền thanh cơ sở (thôn, buôn, khối phố), UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể chính trị khi triển khai nhiệm vụ chuyên môn luôn lồng ghép tuyên truyền về chính sách phát triển HTX. Đối với việc xây dựng các HTX mới, do đặc trưng HTX của huyện Cư M’gar chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên nhiệm vụ này được UBND huyện giao cho Phòng NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan hỗ trợ HTX. Không dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ thành lập, các cơ quan chuyên môn sẽ theo sát các HTX kịp thời nắm bắt nhu cầu về: đất xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị… thuộc thẩm quyền và trong điều kiện có thể của huyện. Có những trường hợp HTX xin xây dựng trụ sở làm việc, sản xuất ở những vị trí chưa được quy hoạch, UBND huyện đã linh hoạt chỉ đạo chính quyền địa phương nơi HTX đứng chân giải quyết một cách nhanh chóng, trong điều kiện pháp luật cho phép. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, huyện vẫn dành một phần kinh phí hỗ trợ một số HTX mua sắm trang thiết bị làm việc, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh ban đầu; tìm kiếm thị trường thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Chính nhờ sự quan tâm này mà nhiều HTX trên địa bàn huyện Cư M’gar đã và đang có bước phát triển rất tốt, điển hình như các HTX: Nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh, Nông nghiệp Công Bằng Cư Đlêi M’nông …
Ea Kar “đồng hành” cùng các HTX
Hội thảo đầu bờ – một trong những hoạt động luôn được huyện Ea Kar tổ chức để nâng cao kiến thức sản xuất cho xã viên các HTX trồng lúa. |
Cùng ra đời, đi lên từ những xuất phát điểm thấp, nhưng các HTX đứng chân trên địa bàn huyện Ea Kar đã nhanh chóng “thích nghi” với thị trường, hoạt động hiệu quả. Một trong những động lực thúc đẩy các HTX “vượt qua chính mình” là sự đồng hành của chính quyền địa phương cùng tháo gỡ, xử lý những khó khăn từ khi HTX còn “phôi thai” cũng như trong suốt quá trình hoạt động. Phòng NN&PTNT là cơ quan được giao chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ cần nghe thông tin một nhóm hộ nông dân có ý định thành lập HTX là đơn vị tìm hiểu, gặp gỡ và tiến hành tư vấn giúp họ lựa chọn ngành nghề, quy mô hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch hoạt động; đồng thời làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương để lựa chọn nhân sự điều hành, quản lý HTX. Chính việc lựa chọn nhân sự có chọn lọc kỹ (là những người có tâm huyết, kiến thức, dám nghĩ, dám làm…) nên phần lớn các HTX được thành lập theo Luật HTX 2003 đều hoạt động có hiệu quả. Không chỉ tham gia xây dựng bộ khung cho HTX, Ea Kar còn chú trọng tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh cho xã viên; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức sản xuất theo từng chuyên đề, trong phạm vi từng HTX. Đại diện lãnh đạo nhiều HTX tâm sự, chính nhờ sự sát cánh của huyện không chỉ giúp HTX nâng cao trình độ sản xuất của xã viên mà còn từng bước giúp xã viên nhận thức rõ quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của bản thân khi tham gia vào các HTX. Nếu như trước đây có những trường hợp đã tham gia vào HTX nhưng vẫn giữ thói quen canh tác cũ, thì sau nhiều lần tham gia các buổi tập huấn đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm; từng bước tuân thủ quy trình sản xuất do HTX đề ra. Ngoài “đào tạo” xã viên, huyện Ea Kar còn chú trọng “đào tạo lại” đội ngũ cán bộ, quản lý của HTX bằng cách thường xuyên theo dõi kế hoạch đào tạo miễn phí của các đơn vị liên quan, sau đó tư vấn, giới thiệu để HTX cử cán bộ theo học. Đến nay, Ea Kar là một trong số ít địa phương có các HTX hoạt động khá hiệu quả, sản xuất được các sản phẩm chất lượng (lúa, ca cao, rau…), được thị trường nhiều địa phương trong cả nước chọn dùng.
Ngọc Nguyên
Ý kiến bạn đọc