Multimedia Đọc Báo in

Quảng cáo trên xe buýt: Tiềm năng chưa được khai thác

14:42, 05/04/2013

“Buýt quảng cáo” là loại hình truyền thông có chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại rất cao và khá phổ biến ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng, “mỏ tài nguyên” này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.


Một số doanh nghiệp xe buýt vẫn chưa mặn mà với việc dán quảng cáo trên thành xe.
Một số doanh nghiệp xe buýt vẫn chưa mặn mà với việc dán quảng cáo trên thành xe.

Có thể nói, xe buýt đang ngày càng trở thành phương tiện vận tải hành khách phổ biến. Vì vậy, trưng bày quảng cáo trên xe buýt cũng có nhiều lợi thế mà các loại hình khác không có được. Trước hết, xe buýt “cơ động” đến nhiều nơi nên thông điệp quảng cáo có sức lan tỏa rộng lớn. Thứ hai, xe buýt lưu thông liên tục, mỗi chuyến cách nhau trong thời gian ngắn nên mức độ tác động đến với mọi đối tượng trong xã hội, dù người đó đi hoặc không đi xe buýt. Thứ ba, với các hình ảnh quảng cáo được thiết kế hai bên hông xe, ngay tầm mắt người đi đường, nên rất dễ gây sự chú ý, vì vậy hiệu quả quảng cáo sẽ cao hơn. Đặc biệt, nếu các slogan, hình ảnh quảng cáo được thiết kế đẹp, ấn tượng, nhiều màu sắc sẽ làm nên một hình ảnh thân thiện, vui mắt thì xe buýt sẽ ngày càng chiếm được cảm tình của người dân, do vậy, hiệu quả kinh doanh của loại hình vận tải này cũng tăng lên. Mặc dù có nhiều ưu thế và hiệu quả cao nhưng chi phí quảng cáo xe trên xe buýt lại thấp hơn nhiều so với quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cụ thể theo tìm hiểu của chúng tôi: chi phí quảng cáo trên thành xe buýt ở địa bàn Dak Lak giao động từ khoảng 5 – 20 triệu đồng/xe/năm tùy theo diện tích quảng cáo lớn hay nhỏ. Doanh nghiệp nào có số lượng đầu xe lớn thì nguồn thu từ việc dán quảng cáo trên thành xe cũng rất đáng kể.

Ở một số địa phương, xe buýt thuộc sở hữu của Nhà nước, vì vậy việc cho quảng cáo trên thành xe được quy định cụ thể và giao cho cơ quan chuyên môn thực hiện nên thu được khoản ngân sách rất lớn. Riêng ở Dak Lak, xe buýt hoạt động theo mô hình xã hội hóa, là tài sản của các doanh nghiệp, nhưng đáng tiếc các doanh nghiệp làm quảng cáo chưa thật sự chuyên nghiệp mà chủ yếu mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt ở địa phương vẫn chưa mặn mà với việc quảng cáo trên thành xe. Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Dak Lak là một trong những doanh nghiệp vận tải thực hiện việc cho dán quảng cáo trên thành xe khá sớm, khi tiến hành ký hợp đồng quảng cáo cho Bệnh viện Thiện Hạnh trên 100 đầu xe của đơn vị, thu về hơn 100 triệu đồng. Đại diện công ty chia sẻ: trong điều kinh doanh vận tải xe buýt ế ẩm, thì nguồn thu từ việc này cũng bù được phần nào chi phí. Với 100 đầu xe chạy trên 7 tuyến ở 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông, nếu khai thác được nhiều quảng cáo thì nguồn thu sẽ khá lớn. Trong khi đó, Công ty cổ phần vận tải khách Buôn Hồ với gần 30 đầu xe lại không thật sự mặn mà với việc dán “quảng cáo di động” trên xe cho các doanh nghiệp vì… sợ xấu xe. Ông Nguyễn Đình Liên, Phó Giám đốc công ty lý giải: hiện tại, đơn vị chỉ quảng cáo trên diện tích nhỏ cho một doanh nghiệp điện tử, còn một số doanh nghiệp khác có đến làm hợp đồng nhưng đơn vị từ chối, vì dán quảng cáo nhỏ thì nguồn thu chẳng được là bao, mà dán quảng cáo lớn thì làm mất thẩm mỹ xe.

Ông Lê Đình Minh, Phó phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết: hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp tham gia vận tải xe buýt với tổng số 236 đầu xe, mạng lưới xe buýt  gồm 17 tuyến nội tỉnh và 4 tuyến ngoại tỉnh, mỗi ngày có hơn 1.000 lượt xe chạy. Theo quy định, các đơn vị xe buýt được phép dán quảng cáo không quá 1/3 diện tích thành xe. Nếu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt thực hiện đúng quy định về quảng cáo, có cách làm bài bản, giá cả hợp lý thì nguồn thu từ “mỏ tài nguyên” này sẽ rất lớn.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.