Multimedia Đọc Báo in

Sức hút của các loại hình sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận

08:16, 26/04/2013

Những năm gần đây, việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững, có chứng nhận, xác nhận đã thu hút sự quan tâm hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp (DN) và hộ nông dân sản xuất cà phê. Tính đến cuối năm 2012, trong số 1,7 triệu tấn cà phê của cả nước thì có tới gần 623.000 tấn có chứng nhận, xác nhận, trong đó cà phê Dak Lak chiếm gần 44%.

Từ khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, nông dân đã quan tâm hơn đến việc trồng cây che bóng cho cà phê.
Từ khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, nông dân đã quan tâm hơn đến việc trồng cây che bóng cho cà phê.

Hiệu quả nhiều mặt

Hiện tại, trên địa bàn Dak Lak có các loại hình cà phê bền vững gồm: 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certified, RFA (Rừng nhiệt đới) và Fairtrade (Thương mại công bằng). Cà phê chứng nhận sản xuất theo quy trình 4C tuy xuất hiện tại Việt Nam sau UTZ nhưng là loại hình phổ biến nhất do yêu cầu ở mức cơ bản. Tiếp cận đầu tiên đối với loại hình này là các công ty liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài (vào năm 2007). Cho đến nay, tại Dak Lak, sản lượng cà phê được xác nhận đã lên đến hơn 192.000 tấn, với gần 35.000 nông dân tham gia và diện tích hơn 52.000ha. Tính chung, Dak Lak chiếm khoảng 45% tổng lượng cà phê được xác nhận 4C ở Việt Nam. Khác với xác nhận 4C, chứng nhận UTZ Certified đã được các DN trong nước triển khai từ tháng 9-2001 và sản phẩm được chứng nhận đầu tiên vào tháng 12-2002 là 4.600 tấn, tại 3 công ty: Thắng Lợi, Ea Pôk, và Krông Ana. Khi đại diện UTZ Việt Nam được thành lập vào tháng 10-2006, mức độ phát triển đã tăng lên một cách mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2012, tổng lượng cà phê được chứng nhận UTZ tại Việt Nam hơn 135.000 tấn, trong đó cà phê của Dak Lak chiếm khoảng 38%.

Đối với chứng nhận RFA ở Dak Lak được tiếp cận đầu tiên bởi Công ty TNHH Dak Man Việt Nam. Đến nay, trong số 6 đơn vị được chứng nhận thì có đến 5 đơn vị đứng chân trên địa bàn Dak Lak. Tính đến cuối năm 2012, tổng lượng cà phê của Dak Lak được chứng nhận RFA xấp xỉ 26.000 tấn (tương đương gần 80% lượng cà phê có chứng nhận RFA của cả nước) với gần 3.200 thành viên và diện tích gần 7.400ha. Về chứng nhận FT, đơn vị đầu tiên được cấp là 2 tổ hợp tác (nay đã phát triển thành hợp tác xã) tại xã Ea Kiết và Cư Dliê M’nông, do Công ty TNHH Dak Man Việt Nam hỗ trợ triển khai. Lượng cà phê được chứng nhận FT của Dak lak đạt hơn 1.600 tấn, với diện tích hơn 400 ha và số nông dân tham gia hơn 210 hộ; lượng cà phê được chứng nhận FT chiếm khoảng 50% của cả nước. Mặc dù có những khác nhau song việc sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận đã và đang mang lại cho người sản xuất, DN và cộng đồng nhiều lợi ích. Chẳng hạn, về mặt kinh tế, việc triển khai và áp dụng tiêu chuẩn của các loại hình cà phê có chứng nhận đã làm tăng giá trị của cà phê xuất khẩu, người nông dân được hưởng lợi từ việc nhận giá cộng thêm và giá bán cao hơn, đặc biệt đối với cà phê được chứng nhận RFA và FT. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận với những thị trường có yêu cầu cao, qua đó vừa bán được sản phẩm giá cao, vừa cải thiện hình ảnh về chất lượng của cà phê Việt Nam. Về mặt xã hội, điều lớn nhất có thể kể đến là chương trình đã kết nối thành công 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà DN) trong việc phối hợp, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Đối với vấn đề môi trường, nhờ được liên tục tập huấn, kiểm tra thực hiện nên các hộ tham gia chương trình cà phê có chứng nhận, xác nhận đã ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải, tăng cường cây che bóng và một số loại cây phủ đất để giữ ẩm và cải tạo đất; dần dần bỏ thói quen canh tác cực đoan, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Vẫn cần sự giúp sức từ nhiều phía

Nhìn chung, hiệu quả mang lại của sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận là rất lớn. Tuy nhiên, do đặc trưng hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ chiếm hơn 80% diện tích sản xuất nên việc triển khai cũng còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Vấn đề đáng quan tâm nhất là hình thức tổ chức. Hiện tại có hai loại hình  tổ chức sản xuất phổ biến là tổ hợp tác (hoặc hợp tác xã) và nhóm nông hộ (hoặc câu lạc bộ). Tổ hợp tác hay HTX tự chủ về mặt tổ chức, có tư cách pháp nhân, được nắm giữ chứng nhận nhưng rất khó thành lập, duy trì phát triển nếu không có sự đỡ đầu của các DN hay dự án. Nhóm nông hộ (câu lạc bộ) thì đơn giản, dễ thành lập nhưng phụ thuộc (không tự chủ) vào DN và không là đơn vị nắm giữ chứng nhận, xác nhận, không có tư cách pháp nhân. Mặt khác, do chưa có đơn vị chi phối, quản lý nên còn xảy ra sự chồng chéo giữa các đơn vị triển khai và thực hiện chương trình cà phê bền vững. Chính việc kết nạp và kiểm soát các thành viên chưa được chặt chẽ nên đã dẫn đến tình trạng một thành viên có thể tham gia nhiều chương trình của nhiều công ty, trong khi thực tế chỉ có 1 vườn cây. Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng chưa mang lại hiệu quả cao nên vẫn còn nhiều trường hợp người sản xuất cà phê nhận thức chưa đầy đủ về bản chất của chương trình, chưa chú trọng thực hiện các yếu tố bền vững mà chỉ tham gia với mục đích (thậm chí là đặt điều kiện) được bán sản phẩm giá cao hơn giá thị trường mà thôi… Các DN có kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai sản xuất cà phê bền vững cho biết, tuy còn nhiều khó khăn nhưng phải nhìn nhận rằng, việc phát triển các mô hình cà phê có chứng nhận, xác nhận là xu hướng tất yếu, đáng được khuyến khích, nhân rộng. Để đẩy nhanh quá trình phát triển các mô hình này, rất cần sự quan tâm tích cực từ nhiều phía: Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các DN tiên phong, thực hiện có hiệu quả việc liên kết, hỗ trợ nông dân; ngân hàng quan tâm cho vay vốn lãi suất thấp để nông dân, DN tham gia chương trình; các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đưa vào áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Khi được hỗ trợ từ nhiều phía, người nông dân sẽ thấy rõ những lợi ích có được và sẵn sàng tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận để qua đó từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và hình ảnh của hạt cà phê Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng.

Lê Ngọc 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.