Multimedia Đọc Báo in

“Trợ lực” cho hội viên làm kinh tế

10:21, 22/04/2013

Những năm qua, với vai trò là cầu nối tập hợp hội viên, nông dân trên địa bàn, Hội Nông dân xã Quảng Điền, huyện Krông Ana đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Nguyễn Văn Hương bên xưởng xay xát của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hương bên xưởng xay xát của gia đình.

Để tạo điều kiện giúp đỡ hội viên từng bước thoát nghèo, Hội Nông dân xã Quảng Điền đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc vận động hội viên hăng hái tham gia lao động sản xuất. Thông qua các đợt sinh hoạt, Hội chủ động lồng ghép nhiều chương trình hoạt động thiết thực, tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh của các hộ nông dân để qua đó giúp đỡ, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình... Điều đáng ghi nhận trong thời gian qua là hội đã đặt tiêu chí xóa đói, giảm nghèo trong hội viên lên hàng đầu; đứng ra tín chấp Ngân hàng chính sách Xã hội huyện vay 10 tỷ đồng giúp 750 hội viên có vốn đầu tư sản xuất. Để đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, Hội Nông dân xã Quảng Điền phối hợp với ngành chức năng huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; đồng thời xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế cho các hội viên tham quan học tập và nhân rộng như: mô hình nuôi ba ba gai, nuôi cá, trồng bơ ghép… (năm 2012, hội đã phối hợp tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 600 hội viên tham gia). Thời gian tới, Hội tiếp tục mở lớp tập huấn chăn nuôi thú y nhằm giúp hội viên mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng qua hiệu quả. Bên cạnh đó, với đặc thù sản xuất nông nghiệp của địa phương là độc canh cây lúa, hội nông dân xã đã đứng ra ký hợp đồng mua phân bón theo hình thức trả chậm, các hội viên được mua phân bón lúa và chỉ trả trước 50%, số còn lại đến mùa thu hoạch mới phải thanh toán. Nhờ vậy, bà con có điều kiện chăm sóc tốt nhất cho cây lúa, góp phần ổn định năng suất lúa ở mức cao (6 – 8 tấn/ha), ổn định đời sống gia đình.

Với những việc làm thiết thực, Hội Nông dân xã Quảng Điền đã tạo ra phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” sôi nổi, sâu rộng trong các hội viên; xuất hiện nhiều mô hình, cách làm ăn mới hiệu quả, nhiều hội viên vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Nguyễn Văn Hương (thôn 2) là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương bằng việc đầu tư máy xát gạo liên hoàn. Mặc dù có kinh nghiệm trong chuyên canh cây lúa, nhưng năm 1998 anh quyết định chuyển sang nghề xay xát gạo. Lúc đầu, anh chỉ phục vụ việc xay gạo cho một số bà con hàng xóm để kiếm thu nhập. Sau đó, nhận thấy việc xay xát gạo có thu nhập cao, anh đầu tư nâng công suất máy, mở rộng nhà xưởng và thu mua lúa về xay rồi đem gạo bán. Đến nay, anh đã có dây chuyền máy xay công suất 6 tấn lúa/giờ với hệ thống xay tách vỏ, chà, và đóng bao hoàn chỉnh. Trung bình mỗi ngày xưởng của anh cho ra lò khoảng 50 tấn gạo và xuất ra thị trường các tỉnh Nam Trung bộ 25 tấn. Với mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng; tạo việc làm cho 14 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Huỳnh Đức Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền cho biết: thời gian qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng được các hội viên trong xã hưởng ứng nhiệt tình, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương; trong năm 2012, xã có 14 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 53 hội viên cấp huyện và 345 hội viên cấp xã.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.