Multimedia Đọc Báo in

Chống thất thu thuế trong kinh doanh vận tải: Cần có giải pháp mạnh

08:39, 22/05/2013

Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách có hành vi gian lận, trốn thuế làm thất thu một phần của ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý, thu thuế và chống thất thu trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Thuế vận tải... “đi” theo những chuyến xe

Hiện nay, ngành Thuế quản lý 120 DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải và những cá nhân có phương tiện vận tải hoạt động độc lập có đăng ký thuế, với mức thu năm 2012 ước đạt 24 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành Thuế, công tác quản lý KDVT rất phức tạp, tình trạng phương tiện vận tải lưu thông trên đường, đón trả khách không đúng nơi quy định gây khó khăn trong công tác quản lý thu. Trên thực tế, số thu thuế chưa tương xứng với quy mô doanh thu và mức độ hoạt động của lĩnh vực KDVT trên địa bàn. Vẫn còn tình trạng xe không đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế; một số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh kê khai doanh số chưa sát hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế. Bên cạnh đó, có những DN làm ăn thiếu minh bạch, tự in hóa đơn nên ngành Thuế không thể quản lý được.

Huyện Ea Kar là địa phương có hoạt động KDVT phát triển mạnh, nhưng trên thực tế, nguồn thu thuế trong lĩnh vực này vẫn là con số khiêm tốn. Năm 2012, tổng số tiền thuế thu được từ 3 hợp tác xã và 4 DN KDVT trên địa bàn gần 2,7 tỷ đồng. Với các hợp tác xã, Chi cục Thuế huyện đã lập bộ quản lý thuế với gần 70 đầu xe, còn các DN thì tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về thuế. Ông Nguyễn Bá Vũ, Phó Chi cục Thuế Ea Kar thừa nhận, những DN, tổ chức, cá nhân KDVT không đăng ký là rất nhiều, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý, chống thất thu thuế, ngành thuế cũng không có thẩm quyền chặn xe giữa đường để kiểm tra chủ phương tiện đó có nộp thuế hay không.

Xe khách không bán vé, không vào bến lấy lệnh để né thuế. (Ảnh minh họa)
Xe khách không bán vé, không vào bến lấy lệnh để né thuế. (Ảnh minh họa)

Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột quản lý 79 DN vận tải với tổng số thuế nộp theo hình thức khoán và khấu trừ năm 2012 là hơn 14,4 tỷ đồng. Nhằm tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với KDVT, ngành Thuế Buôn Ma Thuột đã triển khai những giải pháp tích cực cho từng đối tượng như: với DN vận tải khách thì yêu cầu phải cung cấp sổ nhật trình để kiểm tra lượng khách; với vận tải hàng hóa thì phân tích doanh thu, chi phí, tuyến đường để phát hiện bất hợp lý trong hồ sơ khai thuế; với DN taxi thì cán bộ thuế phân tích doanh thu xuất hóa đơn để hạn chế việc khai doanh thu không đúng…Tuy nhiên, ông Trần Văn Ánh, Trưởng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột thừa nhận vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong KDVT do một số xe không tới bến để làm lệnh xuất bến mà chỉ cho người mang sổ nhật trình đến làm; bến xe ký sổ nhật trình không ghi số khách dẫn đến kê khai thuế sai; có những xe của DN đã giải thể, phá sản vẫn tham gia vận chuyển hàng hóa để trốn thuế…

Cục thuế Dak Lak có Công văn số 3380/CT-THNVDT, ngày 1-8-2011 (đang áp dụng) quy định mức thuế khoán thấp nhất đối với các loại hình vận tải: hàng hóa là 3.000.000 đồng/tấn/tháng; xe khách 850.000 đồng/ghế/tháng thì những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân KDVT không đăng ký, gian lận, trốn thuế sẽ dẫn đến thất thu không nhỏ cho ngân sách tỉnh.

Xử lý vi phạm thuế KDVT không chỉ riêng ngành Thuế...

Đặc thù của hoạt động kinh doanh vận tải là cơ động, sản phẩm mang tính dịch vụ chứ không phải sản phẩm định lượng cụ thể. Vì thế, cái khó của ngành Thuế là khó xác định được con số cụ thể về doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thuế. Trong lĩnh vực vận tải khách, còn hiện tượng nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh cho phương tiện đón khách dọc đường, không bán vé, chở quá số lượng quy định. Còn vận tải hàng hóa thì chỉ có một số hàng hóa có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ, còn lại là thỏa thuận miệng giữa phía chủ hàng và phía vận chuyển. Từ chỗ không có hóa đơn để quản lý giá dẫn đến việc quản lý thuế rất khó khăn. Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh này dễ biến động tăng theo giá xăng dầu, hoặc mùa cao điểm khách đi lại nhiều (dịp lễ, tết, mùa thi…) nên doanh thu rất nhạy cảm…

Thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải được thu trên cơ sở ấn định, xác định doanh thu của các đơn vị, cá nhân kinh doanh để tính thuế. Vì vậy, theo ông Bùi Văn Chuẩn, Cục phó Cục Thuế Dak Lak, với những phương tiện đã đăng ký, hằng năm, ngành Thuế phải xây dựng lại mức tính thuế theo từng phương tiện, tuyến hoạt động để tiếp cận với doanh thu thực tế. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề quan trọng nhất là phải quản lý về mặt Nhà nước ngay từ khâu đăng ký, kiểm định đối với từng phương tiện hoạt động với mục đích kinh doanh thì mới có thể quản lý thuế. Để có thể làm được điều này, cần có sự phối hợp của các ngành trong công tác quản lý phương tiện vận tải. Ông Bùi Văn Chuẩn cho biết thêm, nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế trong KDVT, ngành Thuế Dak Lak đã có kế hoạch phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: rà soát các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động KDVT để quản lý chặt chẽ số lượng người nộp thuế; làm việc cụ thể với từng chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh để tránh thất thoát số lượng cơ sở KDVT; định kỳ cập nhật số lượng phương tiện đăng ký phục vụ cho việc quản lý kinh doanh bằng ô tô; kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách không có lệnh điều xe, hóa đơn, khối lượng hàng hóa và số khách… Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh đã thành lập Ban chống thất thu thuế nhằm mục đích mạnh tay hơn nữa với những hành vi gian lận, trốn thuế để hạn chế tình trạng thất thu thuế, trong đó có lĩnh vực KDVT. Tuy nhiên, để nguồn ngân sách nhà nước không thất thoát theo mỗi chuyến xe, rất cần ý thức chấp hành pháp luật của các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KDVT.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc